Tháng ba nhớ và quên

24/03/2019 09:54 GMT+7

Tháng ba được chào đón từ rất sớm bằng hình ảnh hoa gạo đỏ, hoa xoan tím ở những vùng quê miền Bắc, bằng “cơn sốt” hoa kèn hồng mới hửng trên những đường phố Sài Gòn, bằng “mùa con ong đi lấy mật” vàng óng đất Tây nguyên, và bâng khuâng trôi đi với “bất chợt một ngày, trắng tinh hoa sưa về đây” - Hà Nội...

Có lẽ bây giờ, khi lướt qua mạng xã hội như Facebook, người ta có thể nhìn thấy thời gian như một cuốn lịch, để mỗi mùa lại rộ lên một loài cây, loài hoa như biểu tượng của hoài niệm, của hiện tại. Với riêng tháng ba, có những loài hoa khiến ngày xưa cũ ùa về.
Ai đó xa quê mà không nao lòng khi thấy đâu đó chùm hoa xoan tím ngát như mây mùa xuân. Nhớ nữ sĩ Xuân Quỳnh với bài thơ dịu dàng Mùa hoa xoan nở: “Tháng ba về xuân dần hơn một nửa/Ngõ nhà mình tim tím những nhành xoan/Cơn mưa phùn chiều dạo qua ngang cửa”… để chơm chớm một chuyện tình “Nhặt cánh hoa em cài lên mái tóc/Vườn nhà bên anh liếc mắt… nhìn sang”. Ngày xưa có lẽ miền Bắc nhiều cây xoan đào hơn bây giờ, ngay ở những thành phố tỉnh lẻ, xóm ngõ nào cũng có bóng dáng cây xoan. Có lẽ ngày đó người ta còn xây nhà lợp ngói, còn cần kèo cần cột, chưa bê tông hóa như bây giờ. Cây xoan đào trong truyện cổ tích Tấm Cám bà kể thấy thân quen và đẹp lắm, cũng là cây mà vua đã mắc võng nằm...
Rồi nhớ những buổi sớm đi học ngày xưa, vui sướng nhặt lên nâng niu trên tay bông hoa gạo vừa rụng với sắc đỏ hiền lành, cái màu đỏ sao nguyên chất thế, tươi mà không gắt, đằm đặm dịu êm. Cây gạo thường là cây cổ thụ, tán ở tít tận trên cao, nên ngắm hoa thì phải ngửa cổ lên trời hoặc đứng xa mà ngắm, chỉ khi hoa rụng xuống mới được cầm trên tay ấp iu chơi nghịch, rủ rỉ chuyện trò. Chuyện về cái rét tháng ba, rét nàng Bân, một tình yêu vụng về nhưng sâu lắng... Tôi gọi những bông hoa gạo rụng xuống đất là những món quà của bầu trời. Những bông hoa năm cánh mịn màng đẹp giản dị hồn nhiên, khi ở trên trời thì như in một bức tranh, khi rụng xuống bông hoa trở thành bạn thân của bao đứa trẻ, như món quà luôn đủ để chia đều - đứa trẻ nào cũng có phần! Chia cho nhau những bông hoa còn nguyên lành chưa dập cánh, niềm vui đơn sơ giản dị, biết rằng tháng ba đến rồi thì mùa lạnh sắp qua đi.
Giữa những nhành hoa, những chùm hoa, những câu thơ, bài hát tháng ba “phủ sóng” trên trang chủ của nhiều tay máy nhiếp ảnh “khủng”, của các thi nhân, của những người con xa quê nhớ về kỷ niệm… đâu đó “lạc điệu” một bài ca dao nghêu ngao xưa cũ: “Tháng chạp là tháng trồng khoai/Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà/Tháng ba cày vỡ ruộng ra…”. Để rồi chợt nhớ câu “tháng ba ngày tám”, nhớ mùa “giáp hạt”, cũng là tháng ba. Phải rồi, tháng ba, vụ mùa cũ qua lâu rồi, vụ mùa mới chưa kịp đến, nỗi ám ảnh đói kém với dải khoai mỏng, nhánh lúa gầy… có ai còn nhớ chăng. Nhớ một thời hoa xoan, hoa gạo mơ mộng, vui tươi trong mắt trẻ ngây thơ, thì cũng nhớ một thời cái thiếu, cái đói ám ảnh ưu tư trong đôi mắt của cha, của mẹ. Mừng vì những cụm từ ấy giờ đây đã ít phải nghe nói đến và có thể “biến mất” trên truyền thông, đó là điều tốt lành, là một hoài niệm đã lùi vào quá khứ.
Được nhớ niềm vui, được quên nỗi khổ, tháng ba không chỉ chuyển mùa mà còn là sự đổi thay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.