Tháng bảy tri ân

27/07/2014 03:00 GMT+7

Ngày này, 67 năm về trước, cán bộ, bộ đội và nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thay mặt nhân dân cả nước dự lễ mít tinh và nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy ngày 27.7 hằng năm là ngày Thương binh toàn quốc(sau này là ngày Thương binh - Liệt sĩ).

Ngày này, 67 năm về trước, cán bộ, bộ đội và nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thay mặt nhân dân cả nước dự lễ mít tinh và nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy ngày 27.7 hằng năm là ngày Thương binh toàn quốc(sau này là ngày Thương binh - Liệt sĩ).

Bức thư có đoạn:"Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông, Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của dân ta. Trước những nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xung phong ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững chắc để ngăn cản nạn ngoại xâm..."; "có người bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường...". "Họ đã hy sinh cho ai? Thương binh, tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào". "Để báo đáp cho công ơn đó, Chính phủ đang tìm cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ". Và ngày thương binh - liệt sĩ đầu tiên, Bác Hồ đã xung phong gửi tặng 1 chiếc áo, 1 tháng lương, 1 suất ăn để giúp đỡ gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ.

67 năm đã trôi qua, ngày 27.7 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc; “Đền ơn đáp nghĩa” tri ân liệt sĩ, thương binh trở thành một phong trào thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và tuổi trẻ cả nước. Với dân tộc VN, tháng 7 là tháng tri ân những người nằm xuống cho Tổ quốc bình yên, cho nhân dân hạnh phúc. Có người nói, tháng 7 linh thiêng nên mưa nhiều.

Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ Việt-Lào, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh, địa đạo Củ Chi, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương - Côn Đảo..., từ bắc vào nam, những địa danh lịch sử, những nghĩa trang liệt sĩ dù nhỏ, hay lớn, ngày nào cũng tấp nập những đoàn người đến thăm. Hương, nến lan tỏa, hòa quyện, đặc quánh trong không gian yên tĩnh, linh thiêng của chốn vĩnh hằng.

Tổ quốc ta 4.000 năm văn hiến, phần nhiều thời gian phải chống chọi với nạn ngoại xâm. Tính từ cuộc kháng chiến chống Tần đến chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, 22 thế kỷ thì 12 thế kỷ chiến đấu với kẻ thù xâm lược; gian khổ, hy sinh, bền bỉ; cứ thế hệ này đến thế hệ khác, giai đoạn này sang giai đoạn khác, "lớp cha trước, lớp con sau", người này ngã xuống, người sau tiếp bước... không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ từng tấc đất, con sông, bản làng.

Đất nước thống nhất, người trở về lành lặn, người trở về thiếu hụt đôi mắt, đôi tay hay phải bước đi trên đôi nạng gỗ... Mất mát là thế nhưng người thân vẫn vui mừng trong ngày hội ngộ. Với người VN, dù là đau khổ, vẫn lạc quan: "May mắn là con đã về". Bởi rất nhiều, rất nhiều người mẹ, người vợ, người con cứ mãi ngóng trông người thân mà mãi vẫn chưa đoàn tụ.

"Con ở đâu?". "Anh ở đâu?". "Cha ở nơi nào hỡi cha?"... Những cuộc kiếm tìm. Song chiến tranh luôn khốc liệt, luôn tàn nhẫn. Chiến tranh mang đi, mãi mãi không trả lại những gì mới ngày hôm nay đang có... Một hôm, ghé thăm Mẹ VN anh hùng Hoàng Thi Dần ở Thái Nguyên, mẹ cứ nắm tay tôi hỏi: Hải à? Hải phải không? Mẹ đã hỏi, đã chờ người con của mẹ 45 năm rồi (và tôi đã đành dối mẹ, bảo mẹ phải cố gắng giữ sức khỏe chờ anh Hải về).

"Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn" là đạo lý, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những ngôi nhà tình nghĩa được cất lên, những món quà thiết thực, công trình, phần việc có ý nghĩa đã được trao tặng và thực hiện, những nghĩa trang liệt sĩ được tu sửa, chỉnh trang, khang trang, sạch đẹp...

Và đêm qua, 26.7, hàng triệu ngọn nến được thắp lên, lung linh, huyền ảo bên hàng triệu nấm mộ liệt sĩ khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, theo chương trình "Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ" do Ban Bí thư T.Ư Đoàn phát động. Những ngọn nến của lòng tri ân, của niềm tin, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Những ngọn nến có sức lan tỏa mạnh mẽ, đánh thức những xúc cảm của con người để đêm "thắp nến tri ân" không chỉ là của riêng những người đoàn viên trẻ tuổi mà trở thành của mọi người dân VN. Họ đến với nấm mộ bằng những bông hoa tươi, nén tâm nhang và ngọn nến tri ân ấm áp. Một nhà báo đã viết nếu giờ phút này, được bay lên cao, sẽ thấy mảnh đất cong cong hình chữ S rực sáng, bởi nơi đâu trên mảnh đất này cũng có nghĩa trang liệt sĩ... Và khi viết những dòng chữ này, tôi ước gì, có một ngày được bay lên như thế!

Tháng 7 ở lại nhưng những việc làm cụ thể để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những người mẹ đã sinh thành và hy sinh những người con thân yêu nhất của mình, những thương binh, bệnh binh... vẫn tiếp tục. Và thật vui mừng khi có rất nhiều, rất nhiều những người trẻ đang làm điều đó!

Dương Văn An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.