Tháng cô hồn thì không mua nhà, không cưới vợ?

19/08/2020 19:10 GMT+7

Tháng cô hồn thì không mua nhà, không mua xe, không cưới vợ, không khai trương hàng quán, đó là quan niệm của không ít người trẻ. Điều này có cơ sở khoa học?

Tháng cô hồn là tháng gì mà nhiều người sợ? N.H.H, 37 tuổi, nhân viên phòng kinh doanh một hãng xe hơi tại TP.HCM, cho biết từ hôm nay, mùng 1 tháng 7 âm lịch, mở đầu tháng cô hồn cả phòng ban đã cảm thấy chán chường. “Dịch Covid-19 nên làm ăn đã buồn hơn, giờ còn tới tháng 7 âm lịch, tháng cô hồn như người ta thường gọi, rất ít người tới mua xe dịp này, chắc cả tháng“méo mặt”. Anh H. cho hay không chỉ mảng xe hơi, bạn bè anh làm việc trong lĩnh vực nhà đất cũng lâm cảnh buồn như vậy: “Nhiều người nghĩ rằng mua những tài sản lớn vào thời điểm này sẽ không gặp may mắn. Với người làm ăn, buôn bán, họ còn kiêng cữ nhiều cái nữa”.
Đang trong dịch Covid-19, các tiệc cưới tập trung đông người không được tổ chức. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm này các năm trước, dù không có dịch thì người làm trong ngành hoa cưới, tiệc cưới hay trang điểm cô dâu cũng là vào mùa ế ẩm nhất trong năm. Chị Hoàng Thị Thu Hiền, 29 tuổi, làm trang điểm tại nhà cho các cô dâu tại khu vực nội thành tại TP.HCM, cho biết các bạn trẻ và gia đình thường đi xem ngày để tổ chức đính hôn, tiệc cưới nhưng rất tránh tháng 7 âm lịch vì nghĩ là tháng cô hồn, sẽ gặp xui, vợ chồng ở với nhau không hòa thuận.

Tháng cô hồn không được mua xe, cưới vợ vì gặp xui, điều này có cơ sở không?

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Thanh Tùng, chuyên trách văn hóa thông tin, UBND P.16, Q.11, TP.HCM, cho biết quan niệm tháng cô hồn không cưới vợ cưới chồng, hay tháng cô hồn không mua xe, không mua nhà, không khai trương vì nghĩ sẽ gặp chuyện xui xẻo là những niềm tin thuộc về tâm linh, không có cơ sở khoa học.
Theo anh Tùng, mỗi người có những nhân sinh quan, thế giới quan riêng, không ai cấm. Người Việt cũng có quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành, có những phong tục, tập quán ăn sâu vào đời sống từ nhiều đời nay. Mỗi người cũng có quyền tự do tín ngưỡng, làm những gì pháp luật không cấm đoán nhưng không mê tín dị đoan. Có những người không phân biệt được sự tín ngưỡng và mê tín dị đoan. 

Người trẻ viết thư gửi mẹ trong lễ Vu lan

Ảnh Tấn Đạt

“Ví dụ chuyện như hai người kết hôn. Không ai có thể hiểu rõ bằng người trong cuộc. Không thể nào phó thác chuyện này cho thầy bói, thầy nói hợp thì mới cưới, không hợp thì chia tay. Chuyện mua nhà cũng vậy. Bạn sẽ mua nhà khi có đủ tài chính, nhu cầu chứ không phải nghe thầy bói. Công việc của tôi chẳng hạn, lúc nào cũng phải đi ra đường mới làm việc được, chẳng lẽ đi tin lời thầy bói là tháng cô hồn tuyệt đối không được ra đường nếu không sẽ bị sẽ đâm...”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng cho hay, tháng 7 âm lịch có ngày rằm, còn gọi là lễ Vu lan rất ý nghĩa, để con cái báo hiếu cha mẹ. Nhưng không phải cứ đi chùa, cúng tiền bạc trong chùa mới là thành tâm báo hiếu, và cũng không chỉ báo hiếu trong một ngày Vu lan. Anh Tùng bộc bạch: “Chúng ta đừng nghĩ những gì to tát, mà hãy cố gắng thay đổi từ những việc rất nhỏ trong đời sống hằng ngày, đó là bữa cơm gia đình. Nhiều người con cứ vội vã chạy theo tiền bạc mà bỏ quên cha mẹ mình, không chú trọng bữa cơm, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta. Đến khi cha mẹ mất mới ngồi khóc sao cha mẹ không ở bên con nữa, vậy thì chữ hiếu sao trọn vẹn?”.
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Thiện Khanh, giáo viên lịch sử Trường THCS Hùng Vương, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết ông đọc một số tài liệu văn hóa, sở dĩ dân gian gọi tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn bởi theo họ, vào tháng 7 âm lịch, âm phủ mở cửa ngục, các cô hồn tự do lên trần gian, quấy nhiễu người dân. Bản thân thạc sĩ Khanh, tuổi ấu thơ cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm này từ các người lớn tuổi trong gia đình. "Cha mẹ không cho chúng tôi đi chơi về muộn, vì sợ bị ảnh hưởng bởi tháng cô hồn. Rồi trong tháng cô hồn, từ ngày xưa cho tới bây giờ, vẫn còn nhiều người không dám kinh doanh, khai trương, làm ăn gì lớn vì e ngại. Đặc biệt, tôi thấy tâm lý, trong tháng cô hồn, người ta làm ăn gì không nên chuyện cũng đổ là tại tháng cô hồn, đi đường quẹt xe, tai nạn cũng đổ tại vì cô hồn mà không nghĩ là do mình không cẩn thận", thạc sĩ Khanh kể.
Theo thạc sĩ Khanh, đó là những niềm tin, mỗi người có quyền tự lựa chọn suy nghĩ, cách tin của mình, bởi có những phong tục truyền đời khó mà thay đổi ngay trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Khanh, có những việc trong tháng 7 âm lịch - tháng cô hồn mà mọi người có thể điều chỉnh theo hướng tích cực cho cộng đồng, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, con người, như đốt ít vàng mã, tiền giấy đi; không cúng cô hồn mà cho người ta giật tiền; tăng cường làm việc thiện như tặng gạo trong chùa, báo hiếu cha mẹ, hưởng ứng tinh thần lễ Vu lan.
"Những năm trước nhà tôi sống ở một khu phố ở TP.HCM, tới rằm tháng bảy là người ta đốt tiền vàng lửa bốc cao, nguy cơ cháy nhà là rất cao. Có nhà cúng cô hồn, cho giật tiền, người ta tranh giành nhau tiền, có gì không vừa lòng người ta còn bị người xấu ném đồ dơ vào nhà, trẻ con bỏ cả xe đạp để giật tiền rồi quay ra bị mất xe. Văn hóa là những gì tốt đẹp, còn nếu đã có tiêu cực thì nên bỏ", thạc sĩ giảng dạy môn lịch sử trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.