Sáng 2.6, Quốc hội thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân.
Góp ý về quy định về thăng hàm cấp tướng trước thời hạn, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) dẫn lại câu chuyện Bác Hồ phong hàm đại tướng quân đội đầu tiên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1948 để nói về sự cần thiết của quy định này.
Theo ông Mạc, khi đó Bác nói rằng: Bác trao cho chú chức vụ đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho… Sau đó, khi trả lời phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng"...
"Có thể nói rằng ý nghĩa câu chuyện lịch sử này đến nay còn nguyên giá trị, không chỉ có ý nghĩa với lực lượng quân đội nhân dân mà còn có ý nghĩa với công an nhân dân", ông Mạc nói, và cho rằng, một sĩ quan công an khi đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu và lập được chiến công, thì sự uy tín, ngưỡng mộ, trân trọng với sĩ quan công an nhân đó được ghi nhận một cách tự nhiên.
Khi đó, nếu đủ điều kiện phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời thêm điều kiện để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của lực lượng công an nhân dân.
Do vậy, ông Mạc cho rằng, chính sách thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan công an khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự cần thiết và có ý nghĩa, và trong điều kiện hiện tại, chính sách này thực sự có ý nghĩa.
Tuy nhiên, ông Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng hàm cấp tướng trước thời hạn với sĩ quan công an nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác vào dự thảo luật.
ĐBQH Lưu Bá Mạc: “Thăng hàm tướng công an trước hạn thực sự cần thiết, có ý nghĩa”
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình phải quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm tướng trước thời hạn, cho rằng việc quy định cụ thể sẽ tránh lạm dụng.
“Cần quy định điều kiện cần và đủ tiêu chuẩn cụ thể của việc lập thành tích đặc biệt xuất sắc là như thế nào để tránh lạm dụng. Đồng thời, quy định thăng cấp bậc hàm trước hạn không quá 12 tháng vào dự thảo luật”, ông Hòa nói.
Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân quy định sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.
Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57; trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn.
Luật Công an nhân dân 2018 hiện hành không quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn này.
Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân sẽ được Quốc hội thông qua ngay tại cuối kỳ họp 5 đang diễn ra.
Bộ trưởng Công an báo cáo Quốc hội về việc thêm tướng, tăng tuổi hưu công an
Bình luận (0)