Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Ký ức kinh hoàng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
26/08/2020 06:00 GMT+7

Sau khi cơn lốc đá đỏ lắng xuống, những cánh rừng ở Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) như vừa bị dội bom rải thảm, tan hoang, biến dạng.

Năm 1990, một nhóm kỹ sư thăm dò địa chất phát hiện ra đá đỏ (ruby) dưới lòng đất ở xã Châu Bình (H.Quỳ Châu, Nghệ An). Vùng đất này lập tức trở nên dữ dội bởi hàng ngàn người kéo đến tìm vận may, trong đó nhiều người phải đánh đổi bằng máu và sinh mạng.

“Bão” ở Châu Bình

“Đó là những tháng ngày khủng khiếp!”, ông Nguyễn Văn Thuận (ngụ bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình) rùng mình nói với tôi khi kể về “cơn bão” đá đỏ xảy ra 30 năm trước ở ngay gần bản làng này. Ông Thuận lúc đó mới 20 tuổi. Khoảng tháng 9.1990, khi ông lên rẫy gặt lúa thì bắt gặp một nhóm người quê ở Ninh Bình đang dùng cuốc, xẻng xúc đất đá để đào đãi ở khe Ngặng, cách QL48 chừng hơn 1 km. Ông Thuận và những người hàng xóm nghĩ họ đào đãi vàng nên không quan tâm cho đến khoảng vài tuần sau, số người đào đãi ngày càng đông với hơn 10 tốp, mỗi tốp chừng 10 người.
“Chúng tôi nghi ngờ họ đào tìm thứ gì đó rất bí hiểm chứ không phải tìm vàng nên kéo đến tra hỏi. Thấy chúng tôi đe dọa, họ mới nói đào tìm đá quý và rủ chúng tôi cùng đào. Nếu đào được đá thì bán cho họ. Những viên đá đào được nhỏ như hạt ngô, hạt đậu và lớn hơn có màu đỏ rất đẹp nên sau đó người ta gọi là đá đỏ”, ông Thuận kể.
Thông tin ở khu rừng Châu Bình có loại đá quý quý hơn vàng nhanh chóng lan ra cả vùng rồi cả nước. Đến cuối năm 1990, số người tìm đến Châu Bình để đào đãi đá đỏ đông như kiến. Dòng người từ khắp nơi đổ về như trẩy hội khiến tuyến QL48 ngay phía trước nhà ông Thuận lúc nào cũng kín người và xe cộ. Những chiếc xe khách đến Châu Bình chật kín người, bên trong không còn chỗ, họ đu bám cửa xe, trèo lên mui xe. Ai không đu bám được thì đi bộ hơn 40 cây số từ H.Nghĩa Đàn (Nghệ An) lên sau khi xuống tàu hỏa ở ga Thái Hòa. Cả ngày lẫn đêm, một quãng đường dài trên QL48 lúc nào cũng ầm ào tiếng người, tiếng xe.
Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Ký ức kinh hoàng1

Ông Nguyễn Văn Thuận kể về cơn lốc đá đỏ 1990 - 1991

ẢNH: K.HOAN

Đến tháng 3.1991, trên các cánh rừng ở Châu Bình dọc theo QL48 khoảng 7 km, chiều ngang khoảng 3 km, chỗ nào người cũng đông nghịt. Họ hì hục đào bới suốt ngày đêm. Ông Thuận nói người đông đến nỗi nước dưới giếng cũng không đủ uống, mỗi bát nước chè xanh bán với giá ngang 1 kg gạo. Họ chặt hạ hết cây rừng, xới tung các ruộng lúa ven suối, thậm chí đào cả khu nghĩa địa. Có mét đất nào đều bị lật lên hết để tìm đá đỏ. “Sau 1 đêm, gần 1 mẫu ruộng nằm kề suối của gia đình tôi sắp làm đòng bị họ lật tung, phá sạch. Tôi đến kiểm tra, sững sờ, không thể tin được”, ông Thuận kể.
Lật tung hết khu vực khe Ngặng, dòng người đang lao vào tìm vận may lại kéo lên khu đồi cách đó chừng 4 km. Khu này nằm sát QL48, chỉ trong chừng 1 tháng, khu đồi núi rộng nhiều héc ta đã bị san phẳng. Ở khu vực này, nhiều người đã tìm được nhiều viên đá bán được hàng chục triệu đồng và cái tên đồi Triệu cũng ra đời từ đó. “Khi san phẳng đồi Triệu, một khu vực cách đó chừng 3 km, nhiều người đào tìm được những viên đá bán tiền tỉ nên dòng người lại đổ xô kéo đến ngọn đồi này và họ gọi tên là đồi Tỉ”, ông Thuận kể.
Tại đồi Tỉ, hàng ngàn con người giành nhau từng mét đất rồi đào bới bằng cuốc, xẻng, mang đất đá đến khe, suối hoặc các vũng nước để đãi, tìm đá quý. Ở khu đồi này, có những vỉa đất đá chứa nhiều viên đá đỏ bên trong, đến nỗi người ta truyền tai nhau “vốc được nắm đất là có đá đỏ”. Một cái hố to, sâu nhiều mét được khoét xuống ở đồi Tỉ. Dòng người xô đẩy, chen nhau xuống đào khoét hàm ếch, giành giật từng nắm đất mang lên tìm đá quý. Và thảm cảnh kinh hoàng đã ập đến.

Hầm vừa mới bị sập, những nhóm người may mắn không có bạn bè, người thân gặp nạn vẫn tiếp tục bới đào để tìm đá đỏ ngay bên cạnh những người vừa bị đất đè chết

Ông Nguyễn Văn Thuận
 
(ngụ bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình, H.Quỳ Châu, Nghệ An)

Xế chiều 8.3.1991, khi hàng trăm con người đang bu bám trong cái hố sâu hoắm ở đồi Tỉ thì đất đá từ phía trên bất ngờ đổ sập xuống, vùi lấp hàng chục người. “Lúc ấy, tôi đang ở cách đó vài trăm mét, nghe tiếng kêu gào thất thanh nên chạy đến. Cảnh tượng thật khủng khiếp!”, ông Thuận nhớ lại. Vụ tai nạn sập hầm đã làm rất nhiều người chết. “Mấy ngày sau đó, xác người được đưa lên xếp hàng dài ven QL48, hơn 70 thi thể. Nhưng hầm vừa mới bị sập, những nhóm người may mắn không có bạn bè, người thân gặp nạn vẫn tiếp tục bới đào để tìm đá đỏ ngay bên cạnh những người vừa bị đất đè chết”, ông Thuận nhớ lại.
Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Ký ức kinh hoàng2

Một viên đá đỏ đào được ở Châu Bình đặt trên cái trôn bát

ẢNH: NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

Như bom rải thảm

Ông Kim Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, kể năm 1990, ông đang làm cán bộ địa chính xã. Thời điểm đó, cả xã Châu Bình, đàn ông, đàn bà, già trẻ đều mang cuốc, xẻng lên núi tìm đá đỏ, không còn màng đến những việc khác. Trâu bò không ai quan tâm chăm sóc khiến chúng bị dịch bệnh, chết la liệt ngoài rừng. Ngay cả ông Duyên được giao nhiệm vụ phối hợp để đẩy đuổi người dân ra khỏi khu vực này cũng tranh thủ mang cuốc lên núi tìm vận may. Tỉnh Nghệ An đã phải huy động rất nhiều lực lượng công an, biên phòng đến dẹp loạn, đẩy đuổi hàng ngàn con người ra khỏi các cánh rừng, nhưng như ném đá ao bèo. “Cứ đuổi xong, họ lại ào đến. Quá đông nên lực lượng chức năng không thể dẹp được và đến năm 1992, khi tỉnh điều động thêm nhiều lực lượng, tình hình mới được kiểm soát”, ông Duyên kể. Sau đó, một lực lượng cảnh sát cơ động phải bám trụ ở lại thêm một thời gian dài để kiểm soát tình hình.
Không chỉ chết vì bị sập hầm, nạn chém giết nhau để tranh giành lãnh địa đào đá quý, trấn cướp xảy ra như cơm bữa ở vùng đá đỏ này khiến nhiều người thiệt mạng hoặc tàn tật suốt đời. Không có con số chính thức thống kê bao nhiêu người mất mạng vì cơn lốc đá đỏ, nhưng những người tham gia đào tìm đá trong suốt 2 năm ở đây cho biết đó là con số rất lớn. Cuối năm 1991, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kiểm soát được tình hình, đẩy đuổi dòng người tìm đá đỏ ra khỏi các cánh rừng ở Châu Bình. Nhưng nhiều năm sau đó, cơn sốt đá đỏ vẫn cứ âm ỉ khi nhiều người tìm cách lên núi tiếp tục bới đất tìm vận may.
Ông Nguyễn Văn Thuận kể sau khi cơn lốc đá đỏ lắng xuống, những cánh rừng ở Châu Bình như vừa bị dội bom rải thảm, tan hoang, biến dạng. Vận may đổi đời không thấy, nhưng nạn đói bắt đầu ập xuống, bủa vây Châu Bình. Ruộng lúa bị lật tung, gia súc bị bỏ mặc chết gần hết. Riêng gia đình ông Thuận, hơn 1,5 mẫu ruộng không thể canh tác được nữa. “Gia đình tôi sau đó phải đến khu rừng nằm ở phía bắc QL48 để khai hoang, trồng sắn ăn chống đói. Nhiều gia đình khác cũng rất khó khăn phải chạy ăn từng bữa”, ông Thuận nói. Phải mất 10 năm sau, người dân mới cải tạo lại được những khu đồi này để trồng cây, sản xuất.
Năm 2000, khi khu đồi Tỉ đã được bàn giao cho doanh nghiệp khai thác, hay tin một vỉa đá màu lộ thiên ở đồi Mồ Côi gần đồi Tỉ này vừa được phát hiện, hàng trăm người dân Châu Bình lại bất ngờ kéo lên núi, đuổi công nhân đang làm việc, chiếm lấy khu đất để tìm đá. Họ cử người lập thành hàng rào cầm dao canh gác để chặn không cho lực lượng chức năng vào dẹp loạn. Gần nửa tháng sau, tình hình mới được kiểm soát trở lại khi Công an tỉnh Nghệ An huy động lực lượng đến để đuổi người tìm đá đỏ ra khỏi rừng. (còn tiếp)
Theo tài liệu công bố trên trang web của Tổng hội Địa chất Việt Nam, chất lượng đá ruby ở Quỳ Châu thuộc vào loại đẹp nhất thế giới, tương đương với ruby mỏ Mogok của Myanmar. Đây là loại đá có màu đẹp, độ bão hòa màu và độ tinh khiết cao. Tại Châu Bình đã từng khai thác được viên ruby nặng 56 cara, bán đấu giá được 560.000 USD vào năm 1994.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.