"Hồi còn ở xã Kim Đa, để ra huyện phải mất 4 tiếng đi thuyền, đi bộ theo sông Nậm Nơn. Đường trong xã là đường rừng, đường đất khó đi lắm, ô tô không vào được", ông Lo Văn Long (63 tuổi), một người Ơ Đu ở Văng Môn, nói.
Năm 2006, khi những gia đình đầu tiên đến tái định cư tại bản Văng Môn, người Ơ Đu mới biết đến điện lưới. Đến năm 2008, trạm phát sóng điện thoại bắt đầu phủ sóng ở xã Nga My và sau đó phủ đến Văng Môn. TS Bùi Minh Hào (Tạp chí Sông Lam, người có nhiều năm khảo cứu về người Ơ Đu) cho rằng quá trình biến đổi xã hội của người Ơ Đu ở Văng Môn diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố hạ tầng giao thông, điện lưới, trạm phát sóng điện thoại, đặc biệt sự xuất hiện của điện thoại thông minh, internet và mạng xã hội đã tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội của họ.
Văng Môn cách trung tâm H.Tương Dương khoảng 50 km, nhưng nhờ có tuyến đường nhựa liên huyện chạy ngang qua bản nên về cảm giác, khoảng cách cũng không quá xa. Là khu tái định của thủy điện nên Văng Môn được đầu tư hạ tầng khá tốt. Người Ơ Đu khi mới đến Văng Môn, nhiều người trố mắt khi thấy chiếc ô tô vì đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy "cục sắt" biết chạy. Khi bản được phủ sóng điện thoại và có internet, người Ơ Đu đã tiếp cận được với công nghệ hiện đại và công nghệ này đã mở ra trước mắt họ một thế giới rộng lớn khác hẳn với không gian núi rừng hoang dã. Thanh niên Ơ Đu cũng bắt đầu xuống tỉnh, ra bắc vào nam để làm ăn.
Ông Lo Văn Tuấn, một người Ơ Đu ở Văng Môn, kể con gái và con trai của vợ chồng ông ra Bắc Ninh làm ăn, mua cho ông cái điện thoại. Thời gian đầu, gần như ngày nào con gái cũng gọi điện về khiến vợ chồng ông rất mừng vì thấy con bình yên, khỏe mạnh. Khi con gái về thăm nhà, mang theo cái điện thoại to hơn, rồi nói để con gọi cho em trai. "Nó gọi và khi nhìn thấy thằng Pắn trong mạng, tôi giật mình. Con gái bảo bố cứ gọi thoải mái vì không mất tiền cước. Tôi gọi vợ tôi đang ở dưới bếp lên mà xem con trong điện thoại. Vợ tôi chạy lên, thấy con trong điện thoại thì chộp lấy rồi lắc lắc, hoảng hốt nói ai nhốt nó vào trong này. Tôi bảo, nó đang trong mạng. Sau khi vợ tôi lắc điện thoại thì cuộc gọi bị mất hình. Tôi hỏi con gái đang ở ngoài sân, nó nói vọng vào chắc là do mất mạng. Vợ tôi nghe thế khóc um lên. Một lúc sau, con gái tôi gọi lại, thấy hình bình thường, vợ tôi mới bình tĩnh trở lại. Con gái bảo mất mạng là mất cái đường truyền, vợ chồng tôi mới biết", ông Tuấn kể.
Chị Lo Thị Chẵn lấy chồng, sinh con, rồi năm 2018 vợ chồng gửi con lại cho bố mẹ ở Văng Môn để ra bắc làm ăn. Tháng lương đầu tiên, chị Chẵn mua cái điện thoại cũ gửi về cho mẹ ở nhà để liên lạc. Hằng ngày, chị đều gọi về cho mẹ để hỏi thăm và để chị nhìn thấy con cho đỡ nhớ. Con bé tiếp xúc nhiều với mẹ và hình ảnh mẹ qua các cuộc gọi điện thoại nên cứ nghĩ mẹ mình ở trong điện thoại. "Khi em về thăm nhà, con em không cho mẹ bế nữa vì nó cứ đòi mẹ trong điện thoại", chị Chẵn kể.
Năm 2018, gia đình Ơ Đu đầu tiên ở Văng Môn lắp đặt wifi. Đến nay, có 16 gia đình lắp thiết bị thu, phát sóng vô tuyến này. "So với nơi ở cũ, nơi ở mới này đất đai ít hơn nên khó làm ăn nhưng đường đi, điện, nhất là có sóng điện thoại nên bà con tiếp cận được với thế giới văn minh", ông Lo Văn Bình, một người Ơ Đu ở Văng Môn, nói.
Cuộc sống mới
Ông Lo Văn Cường (60 tuổi, người có uy tín của Văng Môn) nói nếu ở nơi ở cũ, người Ơ Đu chỉ quẩn quanh với núi rừng với nỗi lo tìm cái ăn hằng ngày thì khi đến Văng Môn, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, từ nhận thức đến hành động. Ở Văng Môn, người Ơ Đu sống quần tụ thành một bản nên các chính sách hỗ trợ được tỉnh Nghệ An ưu tiên, đầu tư nhiều hơn. Tiếp xúc nhiều với cuộc sống hiện đại khiến người Ơ Đu thay đổi dần về nhận thức. "Khi còn ở trên kia, người dân không quan tâm đến việc học của con cái vì nghĩ biết chữ là được, không biết cũng được, học nhiều cũng chẳng làm gì. Nhưng về đây, người dân đã nhận thức muốn có cuộc sống sung sướng thì phải học", ông Cường cho hay.
Ông Cường bấm đốt ngón tay rồi tính, học sinh Ơ Đu rất nhiều em học lên THPT và đại học: "Trong bản đã có 5 người học đại học, cao đẳng ngành y; 3 người học xong đã đi ngành công an; 3 người đã đi làm giáo viên". Vợ chồng ông Cường cũng có con trai đang công tác ở công an huyện, con gái là trạm phó trạm y tế xã. Hàng chục thanh niên người Ơ Đu ở Văng Môn đang đi làm ăn ở các tỉnh xa, trong đó có 4 người đang lao động ở Nhật Bản và Đài Loan. "Đời sống cũng còn khó khăn, nhưng mừng nhất là người Ơ Đu ta đã thay đổi nhiều về tư duy, nhận thức; và đã rũ bỏ nhiều phong tục lạc hậu để xây dựng nếp sống văn minh và hòa nhập với thời đại", ông Cường nói.
Bình luận (0)