Thăng trầm Ơ Đu: Sinh tồn trong rừng thẳm

Khánh Hoan
Khánh Hoan
23/11/2024 10:50 GMT+7

Ơ Đu là một trong những dân tộc ít người nhất nước ta hiện nay, đang sinh sống tại H.Tương Dương (Nghệ An), với lịch sử đầy thăng trầm và những phong tục lạ.

Chỉ vỏn vẹn 108 hộ gia đình đang sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My, H.Tương Dương, dân tộc Ơ Đu được xếp vào hàng những dân tộc ít người nhất của VN, nhưng sở hữu đời sống văn hóa rất phong phú.

Những cuộc di cư

Nguồn gốc của người Ơ Đu ở Tương Dương được các nhà nghiên cứu văn hóa lý giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng người Ơ Đu là cộng đồng bản địa sinh sống lâu đời tại khu vực H.Tương Dương và từng làm chủ cả một khu vực rộng lớn bao gồm cả bên kia biên giới nước Lào. Tuy nhiên, sau đó người Ơ Đu bị tộc người thế lực mạnh hơn cướp đất, truy đuổi, phải tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc hoặc cam chịu số phận làm thuê, làm mướn, nhiều người phải đổi họ để tránh bị truy đuổi. Người Ơ Đu từng bị gọi với cái tên Tày Hạt, tiếng Thái có nghĩa là "người đói rách". Nhà nghiên cứu Vương Hoàng Tuyên thì cho rằng người Ơ Đu có nguồn gốc Lào và di cư sang VN vào khoảng nửa sau thế kỷ 19.

Thăng trầm Ơ Đu: Sinh tồn trong rừng thẳm- Ảnh 1.

Một căn nhà ở Văng Môn của người Ơ Đu do chủ đầu tư thủy điện xây để di dời người dân

ẢNH: K.HOAN

Ơ Đu nghĩa là "yêu thương". Các nhà nghiên cứu cũng cho hay trước năm 1954, người Ơ Đu sống ở rừng sâu của H.Tương Dương, nơi đầu khe ngọn suối. Cuộc sống du canh du cư đã khiến họ sống tản mác thành cụm, mỗi cụm chỉ 5 - 7 gia đình và các cụm cách nhau 1 - 2 giờ đi bộ. Trong bảng danh mục các dân tộc VN năm 1979, Ơ Đu được xếp cuối cùng về quy mô số dân. Sống tản mác và quá ít người nên Ơ Đu thuộc nhóm có nguy cơ bị mai một văn hóa và cả con người. Hiện nay, người Ơ Đu chỉ có 108 hộ với hơn 400 người sinh sống tại xã Nga My.

Năm 2006, người dân ở các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương (H.Tương Dương) phải di dời để nhường đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ vì toàn bộ khu vực này trở thành lòng hồ. Đây có lẽ là cuộc di cư lớn nhất của người Ơ Đu, khi 73 hộ dân Ơ Đu sống ở các xã kể trên được di chuyển đến bản Văng Môn, xã Nga My, cách nơi ở cũ hàng chục cây số. Người dân được chủ đầu tư xây nhà sàn bằng bê tông và được hỗ trợ lương thực trong 3 năm đầu khi về nơi ở mới. Đến năm 2007 có thêm 5 hộ gia đình Ơ Đu di cư tự phát tìm về đây dựng nhà, sinh sống. Kể từ đó, người Ơ Đu sống quần tụ trong một bản và họ bắt đầu khôi phục lại nhiều phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa đã từng bị mai một do biến động của lịch sử và quá trình di cư.

Những luật tục đẹp

Dù sống trong rừng sâu và xen kẽ với người Thái, người Khơ Mú trong thời gian rất dài do yếu tố sinh tồn, nhưng người Ơ Đu vẫn có đời sống văn hóa, tâm linh rất phong phú, trong đó có những quan niệm rất phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Thăng trầm Ơ Đu: Sinh tồn trong rừng thẳm- Ảnh 2.

Cuộc sống của người Ơ Đu chủ yếu dựa vào rừng để trồng trọt, chăn nuôi

ẢNH: K.HOAN

Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), người Ơ Đu sinh sống bằng nguồn lương thực từ nương rẫy. Khi canh tác, để tránh lúa bị lẫn, làm thoái hóa, người Ơ Đu thường gieo các giống lúa trên các mảnh nương riêng. Nếu các mảnh nương ở sát nhau, giống lúa chín sớm bao giờ cũng gieo đầu tiên, trên mảnh nương ở phía ngoài, lúa chín chính vụ được gieo trên mảnh nương ở phía đối diện và lúa chín muộn gieo ở nương giữa. Ngoài lúa, người Ơ Đu còn trồng bông, ngô và trồng xen một số loại cây thực phẩm để tự cung tự cấp.

Sống trong rừng sâu, nhưng người Ơ Đu có quan niệm rất tiến bộ trong nguyên tắc kết hôn, đó là hôn nhân ngoại tộc. Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, người Ơ Đu quy định anh em trong phạm vi 5 đời không được lấy nhau. Theo phả đồ được dựng từ trí nhớ của các bậc cao niên họ Lo ở bản Xốp Pột (xã Kim Đa cũ), từ đời xa nhất mà người trong họ còn nhớ được đến nay, con cháu đến đời thứ sáu chưa có trường hợp nào lấy nhau. Nếu có đôi trai gái nào yêu nhau, các bậc cao niên cũng không cho phép kết hôn.

Lý giải thêm về nguyên tắc này của cộng đồng, ông Lo Văn Cường (60 tuổi, người có uy tín ở Văng Môn), cho biết do người Ơ Đu có dân số rất ít và quan niệm đồng bào do một gốc mà ra nên không thể lấy nhau được. Con trai Ơ Đu lấy vợ người dân tộc khác như Thái hoặc Khơ Mú và con gái cũng vậy. "Sau này, một số rất ít trường hợp người Ơ Đu lấy nhau nhưng phải là họ hàng rất xa", ông Cường nói.

Con trai người Ơ Đu thường lấy vợ sớm. Trai gái tự tìm hiểu nhưng phải được sự đồng ý của bố mẹ. Cuộc sống hôn nhân của người Ơ Đu khá bền vững, rất ít trường hợp ly hôn. Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, trước đây, khi chồng hoặc vợ chết, người sống phải đợi đến khi có tiếng sấm đầu tiên của năm sau mới được đi bước nữa do quan niệm chỉ đến khi có tiếng sấm của năm sau, người chết mới biết mình đã chết thật, không còn ràng buộc với người sống nữa.

Người vợ hay chồng muốn đi bước nữa phải sắm một con lợn làm lễ mời bố mẹ, anh chị em ruột hai bên và láng giềng đến dự, người vợ hoặc chồng sau cũng có thể đến chứng kiến. Người vợ hoặc chồng lấy dao cứa ở điểm giữa hai chiếc đũa rồi bẻ gãy và đặt lên mâm lễ để cúng giải thoát cho hai người. Trường hợp chồng chết, người vợ đi bước nữa chỉ được mang con còn bú đi theo, những người con khác phải để nhà chồng nuôi.

Người chồng, người cha quyết định mọi công việc trong gia đình Ơ Đu. Con trai con gái, con đẻ, con dâu đều được cha mẹ yêu thương, quý mến như nhau. Trong gia đình Ơ Đu hầu như không xảy ra chuyện "mẹ chồng nàng dâu" hay "chị dâu em chồng". Những đứa trẻ không may bị mồ côi thì anh, em ruột có trách nhiệm cưu mang, nuôi dưỡng các cháu. "Do ít người nên cha ông dạy người Ơ Đu ta phải thương yêu, đùm bọc nhau", ông Cường nói. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.