'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang

24/07/2024 07:15 GMT+7

Sự việc 'thánh ăn' Pan Xiaoting đột tử khi đang livestream một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm họa liên quan đến trào lưu mukbang trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ăn bất chấp để nổi tiếng

'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang- Ảnh 1.

Pan Xiaoting tử vong khi đang phát trực tiếp, nghi do ăn quá nhiều

Chụp màn hình

Pan Xiaoting (24 tuổi) gây xôn xao dư luận xứ Trung khi đột tử hôm 14.7 trong lúc đang livestream. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy bụng của Xiaoting bị biến dạng nghiêm trọng, dạ dày chứa lượng lớn thức ăn chưa kịp tiêu hóa. Cô gái này là "thánh ăn" nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với những buổi mukbang có các thử thách ăn uống khắc nghiệt được thực hiện trong hơn 10 tiếng/ngày trên livestream. Trong mỗi lần xuất hiện, Xiaoting thường tiêu thụ hơn 10 kg thực phẩm.

Khi càng nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền và nhận được sự tán dương từ dân mạng, sức khỏe của Pan Xiaoting ngày một sa sút. Trước khi qua đời, cô gặp nhiều vấn đề: huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường, xuất huyết dạ dày, đường ruột bị tổn hại nghiêm trọng. Dù được cha mẹ hết lời khuyên ngăn từ bỏ vì số tiền kiếm được không bù đắp nổi những tổn hại về sức khỏe, Xiaoting vẫn mải mê với các buổi mukbang, cho rằng mình có thể kiểm soát được. Cuối cùng, cô phải trả giá bằng mạng sống.

'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang- Ảnh 2.

Nhiều nhà sáng tạo nội dung đổ xô làm mukbang, bất chấp những nguy cơ sức khỏe

Chụp màn hình

Mukbang là sự kết hợp của các từ tiếng Hàn có nghĩa là "ăn" và "phát sóng". Thông thường, các nhà sáng tạo nội dung sẽ ngồi trước ống kính và thưởng thức lượng lớn đồ ăn. Nội dung mukbang có thể được quay từ trước rồi phát trên mạng hay được thực hiện trên sóng livestream và có giao lưu với khán giả. Loại hình này có nguồn gốc từ Hàn Quốc và trở nên phổ biến khắp thế giới trong nhiều năm trở lại đây.

Tại Trung Quốc, mukbang trở nên phổ biến với sự xuất hiện của nhiều "thánh ăn" cùng những buổi livestream triệu view, đem lại nguồn thu nhập đáng mơ ước cho nhiều người. Cũng vì cơ hội kiếm tiền dễ dàng, nhiều nhà sáng tạo nội dung bất chấp rủi ro để tạo ra những buổi mukbang với những thử thách khó nhằm thu hút sự chú ý của người xem từ đó gia tăng độ nổi tiếng trên mạng. Từng có nhiều "thánh ăn" nổi tiếng với thử thách như: ăn 10 tô mì cay, 15 chiếc hamburger hay thậm chí "ngốn" một con cừu nướng nặng 17 kg...

'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang- Ảnh 3.

Pao Pao Long - "thánh ăn" từng gây sốc với những thử thách mukbang khắc nghiệt, đã qua đời hồi 2023. Việc ăn uống vô độ khiến anh này béo phì, có lúc nặng tới 145 kg

Chụp màn hình Sohu

Trước Pan Xiaoting, hai "thánh ăn" nổi đình đám trên mạng xã hội xứ Trung là Pao Pao Long (29 tuổi) và Wen Wei Ge (32 tuổi) đã tử vong sau thời gian dài ăn uống vô độ dẫn đến việc gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Pao Pao Long từng gây choáng với những thử thách ăn uống khắc nghiệt thậm chí liều mạng như vừa "trồng cây chuối" vừa uống dầu lạc, uống một lúc 2 can trà sữa lớn… Còn Wen Wei Ge cũng gây sốc với những buổi mukbang đầy ắp đồ ăn thức uống. Trước khi qua đời, người này mắc bệnh gút, tăng axit uric máu, nhiễm trùng máu… đồng thời đã chạy thận nhiều năm.

Theo 163, mukbanger nổi tiếng Enke đã ho ra máu trong một buổi livestream khiến người xem không khỏi hốt hoảng, khuyên anh hãy dừng làm những nội dung ăn uống cực đoan như vậy.

'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang- Ảnh 4.

Dongz Apatan đột tử hôm 14.6

Chụp màn hình

Không chỉ ở Trung Quốc, giữa tháng 6.2024, dân mạng Philippines không khỏi xôn xao trước cái chết của vlogger mukbang Dongz Apatan (tên thật Manoy Apatan, 37 tuổi). Một ngày trước đó, anh đã đăng tải các đoạn video tự nấu nướng rồi ăn lượng lớn gà rán và cơm trắng. Dongz Apatan sau đó đã bị đau tim và rơi vào hôn mê trước khi tử vong vì đột quỵ xuất huyết.

Trào lưu độc hại khiến giới chức vào cuộc

'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang- Ảnh 5.

Mukbang mang đến những phút giây giải trí cho mọi người nhưng vấn đề sức khỏe và tác động xã hội của hoạt động này rất đáng để lưu tâm

Chụp màn hình

Cái chết của Pan Xiaoting, Dongz Apatan một lần nữa dấy lên các cuộc thảo luận về trào lưu mukbang cũng như những hệ lụy sức khỏe từ việc ăn uống vô độ, cực đoan. Các chuyên gia cảnh báo những nhà sáng tạo nội dung không được xem nhẹ sức khỏe để chạy theo lượng người xem, chia sẻ và phần thưởng trên mạng xã hội. Việc ăn một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn dễ gây biến dạng dạ dày, rối loạn hấp thu, tạo áp lực lớn cho gan, thận… Về lâu dài, hoạt động này có thể gây các bệnh về tim mạch, tiêu hóa thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Sohu cho biết vì hiểu rõ việc ăn một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, nhiều người nổi tiếng trên mạng chọn cách ăn thả ga sau đó dùng tay "móc họng" để nôn hết ra ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo phương pháp này rất có hại cho cơ thể: dẫn đến trào ngược axit, lâu ngày gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở dạ dày, cổ họng hay sưng hạch do nôn mửa thường xuyên.

Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, những nội dung mukbang của các "thánh ăn" trên mạng cũng gây nên những tác động tiêu cực đến hành vi của người xem. Những buổi livestream ăn uống với nhiều món ăn hấp dẫn, bắt mắt nhưng không tốt cho sức khỏe có thể khiến một số người xem hình thành thói quen ăn uống kém lành mạnh, bỏ qua tầm quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.

'Thánh ăn' Trung Quốc đột tử khi đang livestream và loạt hiểm họa từ mukbang- Ảnh 6.

Trào lưu mukbang ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích vì khuyến khích thói quen ăn uống không lành mạnh, gây lãng phí thực phẩm

Chụp màn hình

Trước thực trạng đáng quan ngại, Trung Quốc đã đưa ra quy định mới để hạn chế sự phổ biến của những video lan truyền thói quen ăn uống vô độ, lãng phí. Theo SCMP hồi tháng 12.2020, luật mới về chống lãng phí thực phẩm được đệ trình lên ủy ban pháp lý cấp cao của nước này nêu rõ: bất kỳ ai đăng video trực tuyến khuyến khích ăn quá độ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 348 triệu đồng). Những người tham gia các thử thách ăn uống vô độ, kém lành mạnh, các nhà hàng có hành vi lôi kéo hay gây hiểu lầm cho khách hàng gọi quá nhiều thức ăn, gây lãng phí… cũng sẽ bị xử phạt nghiêm.

Còn tại Philippines, Bộ Y tế nước này đang cân nhắc lệnh cấm các nội dung mukbang sau cái chết của Dongz Apatan hồi tháng trước. "Đây là một thói quen xấu vì mọi người tạo ra nội dung bằng cách ăn quá nhiều và điều đó không lành mạnh. Nó dẫn đến béo phì, từ béo phì có thể dẫn đến tăng huyết áp, vấn đề tim mạch, bệnh không lây nhiễm thậm chí đau tim", Bộ trưởng Bộ Y tế Teodoro Herbosa chia sẻ. Vị này cho biết cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân tử vong của Dongz Apatan. Nếu cuộc điều tra của bộ xác định rằng mukbang góp phần gây ra cái chết của Apatan, họ sẽ thúc đẩy lệnh cấm trên các trang web và nền tảng truyền thông xã hội trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.