Thanh Hóa: Chuyển đổi số hướng đến người dân và doanh nghiệp

06/10/2022 17:07 GMT+7

Ngày 6.10, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 (10.10), với chủ đề “Thúc đẩy chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa”.

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, được xếp đứng thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước. Mục tiêu của Thanh Hóa là sẽ đưa tỉnh nằm trong top 10 của cả nước về chuyển đổi số.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại sự kiện

Ái Châu

Cụ thể, nhiều chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, điển hình, như năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020).

Chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai mà đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã của Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.”, ông Liêm khẳng định.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành T.Ư tham quan các gian hàng tại Triển lãm các giải pháp, mô hình chuyển đổi số được tổ chức nhân sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tại Thanh Hóa

Ái Châu

Cũng theo ông Liêm, công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, như cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; việc xây dựng chính quyền điện tử chuyển biến rõ rệt, các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao.

Đơn cử như về chính quyền số, hệ thống văn bản được kết nối liên thông giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; tổng số lượt trao đổi, gửi/nhận qua hệ thống trên 2,8 triệu lượt văn bản; tỉ lệ văn bản được ký số cá nhân đạt 98,72%, tỉ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 100%, giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

“Về xã hội số, đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà và các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức nòng cốt; cán bộ lãnh đạo cấp xã; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân. Thành lập 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm và hơn 14.478 thành viên tham gia để thúc đẩy chuyển đổi số đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn…”, ông Liêm nói.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm các giải pháp, mô hình chuyển đổi số

Ái Châu

Cũng theo ông Liêm, việc tổ chức các chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cơ hội để chính quyền và người dân, doanh nghiệp tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất, có những góc nhìn sâu sắc hơn từ những chuyên gia đến từ các Bộ, ngành của T.Ư và các Tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin.

Với tinh thần “chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”; chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Nằm trong chuỗi sự kiện Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 tại Thanh Hóa, chiều cùng ngày diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề: “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Thanh Hóa” và “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh”.

Khai trương thử nghiệm mạng 5G và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thanh Hóa

Ái Châu

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia đã thảo luận, tư vấn về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như góc nhìn bộ phận triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp; vai trò của các bộ phận trong triển khai chuyển đổi số của doanh nghiệp…; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp Thanh Hóa, như: chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nền tảng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh; một số giải pháp phối hợp xây dựng, quản lý, khai thác “Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi” và “Hệ thống thông tin và cơ sở cấp, quản lý mã số vùng trồng”; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa… Đây là những tham vấn quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng và thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số; giúp ngành nông nghiệp đi đúng hướng trong hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.