Thanh Hóa: Hàng trăm dự án chậm tiến độ do yếu kém trong thẩm định

12/07/2022 18:13 GMT+7

Nguyên nhân tình trạng dự án (DA) chậm tiến độ , vi phạm luật Đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là do tham mưu, thẩm định để lựa chọn chủ đầu tư yếu kém, dẫn tới chủ đầu tư không triển khai DA.

164 dự án chậm tiến độ

Chiều 12.7, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa

Minh Hải

Tại phiên chất vấn, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông tin tổng quát về tình trạng các DA chậm tiến độ, vi phạm luật Đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Giang cho biết, từ năm 2014 (khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1.7.2014) đến hết tháng 6.2022, trên địa bàn tỉnh có 1.617 DA được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 7.863,82 ha.

Trong 1.617 DA, đến nay đã có 1.102 DA (khoảng 68,15 %) đã hoàn thành đầu tư, bảo đảm tiến độ, đưa đất vào sử dụng; 208 DA (chiếm 12,86 %) đang thực hiện đầu tư bảo đảm tiến độ; 247 DA (chiếm 15,28 %) đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng; 60 DA thuê đất (chiếm 3,71 %) đầu tư chậm tiến độ và đã quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 điều 64 luật Đất đai 2013.

Những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt DA, trong đó phát hiện 164 DA chậm tiến độ, đã quá 24 tháng (60 DA phát sinh từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực như nêu trên). Trong 164 DA chậm tiến độ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi đất 21 DA, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ 88 DA.

Công tác thẩm định yếu kém

Thực trạng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường trong cuộc họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Dự án chậm tiến độ làm "nóng" nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa

Minh Hải

Nhiều đại biểu đã “truy” trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng DA chậm tiến độ, gây lãng phí cũng như nguyên nhân từ đâu; nhiều đại biểu quan tâm đến đất sau thu hồi sẽ sử dụng như thế nào; có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định lập dự án để chuyển nhượng nhằm tư lợi hay không; có DA bị thu hồi do chậm giải phóng mặt bằng, mà trách nhiệm GPMB là của Nhà nước hay không; tỉ lệ các dự án thanh tra, kiểm tra còn khiêm tốn?...

Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang nói thẳng “nguyên nhân các DA chậm tiến độ là do công tác thẩm định yếu kém, nhà đầu tư yếu kém. Nguyên nhân nữa là do nhà đầu tư yếu về tài chính, và cá biệt có nhà đầu tư chuyển nhượng dự án để kiếm lời”.

Theo ông Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có bất cứ DA nào bị thu hồi đất do chậm hoàn thành GPMB. Về tỷ lệ số DA được thanh tra, kiểm tra còn ít, mới chiếm 12,18%, ông Giang lý giải do số lượng cán bộ thanh tra về đất đai quá ít người (chỉ có 5 biên chế - PV) và tránh chồng chéo với các cuộc thanh tra khác nên tỷ lệ số DA thanh tra còn ít.

Không thu hồi được DA vì Nhà nước "quên" thông báo nghĩa vụ tài chính

Đối với 2 DA “tai tiếng” nhất hiện nay ở tỉnh Thanh Hóa, thu hút sự quan tâm của dư luận đó là DA Nhà máy xi măng Thanh Sơn ở H.Ngọc Lặc và DA Văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê của Công ty CP tập đoàn Công Thanh ở P.Đông Hương (TP.Thanh Hóa) quyết định đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay chưa đầu tư, chưa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Giang cho biết DA Nhà máy xi măng Thanh Sơn được cấp sổ đỏ, giao đất từ năm 2009, nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng và đầu tư hơn 400 tỉ đồng, nhưng dự án dừng từ năm 2010 đến nay.

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn chậm tiến độ, bỏ hoang 13 năm qua chưa bị thu hồi

Phúc Ngư

“Dự án xác định chậm, phải thu hồi, nhưng không thu hồi được vì Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho gia hạn đến sau năm 2015, mà sau năm 2015 là không biết đến thời điểm nào. Và 35,78 ha vùng nguyên liệu của Nhà máy xi măng Thanh Sơn đã xác định khu vực đất quốc phòng. Hiện UBND tỉnh đã có báo cáo với Thủ tướng chính phủ, và Bộ Xây dựng đã vào làm việc với tỉnh, chúng tôi kiên quyết đề nghị thu hồi dự án và hiện nay và đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Giang cho biết.

Còn DA Văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê của Công ty CP tập đoàn Công Thanh có quyết định giao đất từ 2009, DA chậm tiến độ, nhưng chưa thu hồi được, vì nhà đầu tư chưa nhận được thông báo nghĩa vụ tài chính, chưa có sổ đỏ, nên chưa thực hiện các thủ tục đầu tư.

“Lỗi ở đây là do không thông báo nghĩa vụ tài chính, lỗi này là của Nhà nước, và có một phần lỗi của nhà đầu tư. Tỉnh đã họp nhiều lần, đang yêu cầu Sở TN-MT tính toán lại để thông báo cho nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Và dự án này là không thu hồi”, ông Giang cho hay.

Ông Đỗ Trọng Hưng, chủ tọa kỳ họp yêu cầu rà soát tất cả các dự án

Minh Hải

Kết luận phần chất vấn về thực trạng các DA chậm tiến độ, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tọa kỳ họp cho biết sau kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ yêu cầu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc các vấn đề mà UBND tỉnh đã hứa. Đồng thời, yêu cầu rà lại tất cả các dự án trước và sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực, báo cáo HĐND tỉnh trước ngày 30.9.

Ông Hưng cũng yêu cầu đối với đất đã thu hồi phải đưa ngay vào sử dụng, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư. Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực kém, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để kiếm lời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.