Ngày 3.7, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho biết kỳ họp lần này sẽ có đổi mới, không tổ chức việc đọc hết các báo cáo, tờ trình như thường lệ, mà chỉ trình bày tóm tắt một số báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và báo cáo đặc thù.
Theo ông Hải, tất cả các báo cáo, tờ trình đã được gửi qua hệ thống mạng cho các đại biểu, do đó không cần phải đọc hết các báo cáo, tờ trình nên thời gian diễn ra kỳ họp được rút ngắn, chỉ 2 ngày làm việc, thay vì 2,5 ngày hoặc 3 ngày như trước đây.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành chất vấn 2 vấn đề, trong đó, đáng chú ý là chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài chính về thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản dôi dư còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Hải cho biết, việc lựa chọn nội dung chất vấn dựa trên sự quan tâm, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Và vấn đề sử dụng công sở, nhà đất dôi dư sau sáp nhập là vấn đề được cử tri rất quan tâm.
"Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa thực hiện sáp nhập một loạt đơn vị cấp thôn, xã thuộc diện lớn nhất cả nước. Đến nay còn nhiều công trình, nhà đất công dôi dư. Về vấn đề chất vấn Giám đốc Sở KH-CN trong thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thì do lĩnh vực này cũng được cử tri quan tâm, và lĩnh vực này cũng chưa thật sự đột phá nên cần chất vấn", ông Hải cho hay.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã có phản ánh về tình trạng lãng phí công sở bỏ hoang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khi hàng trăm công sở dù còn rất mới nhưng bị bỏ hoang, lãng phí nhiều năm qua.
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có 995 công sở, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2023. Trong 995 công sở, nhà đất dôi dư, có 629 công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện, và cấp tỉnh; và 366 nhà văn hóa thôn, bản.
Trong khi đang tồn tại 923 công sở, nhà đất công dôi dư, đang lãng phí thì giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập 1 đơn vị cấp huyện và 147 đơn vị cấp xã. Như vậy, nếu không sớm có phương án xử lý triệt để thì tới đây con số dôi dư, lãng phí công sở ở tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng lên.
Dự kiến, kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra trong ngày 8.7, chiều 9.7 và sáng 10.7, cũng sẽ xem xét, thông qua 16 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết về số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị quyết về dự án mua sắm hệ thống máy xạ trị gia tốc cho Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa; Nghị quyết về dự án triển khai hoàn thiện hệ thống hội nghị trực tuyến tỉnh Thanh Hóa từ cấp tỉnh đến cấp xã…
Bình luận (0)