Thanh Hóa xây dựng đề án nhận diện 'tham nhũng vặt'

16/10/2024 14:41 GMT+7

Tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng đề án nhằm nhận diện thế nào là "tham nhũng vặt" để từ đó kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi "tham nhũng vặt" đang gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 16.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết đơn vị này đang xây dựng đề án nhận diện, phát hiện, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực (tham nhũng vặt) trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa xây dựng đề án nhận diện 'tham nhũng vặt'- Ảnh 1.

Các cán bộ ở một xã của tỉnh Thanh Hóa đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

ẢNH: TTV

Theo ông Tiến, đề án nhằm nhận diện rõ hành vi "tham nhũng vặt" là như thế nào, để từ đó thiết lập các công cụ và biện pháp đấu tranh, phát hiện, xử lý.

"Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh Thanh Hóa đã và đang được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Thời gian qua, ngoài những kết quả tích cực thì vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế", ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết, kết quả phòng chống tham nhũng tiêu cực ở tỉnh này vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Vì vẫn còn nhiều phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các dịch vụ công, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm giảm niềm tin người dân, doanh nghiệp vào bộ máy của Đảng, Nhà nước.

"Chính vì thế, yêu cầu đặt ra là cần phải nhận diện rõ hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp là gì. Để từ đó thiết lập được các công cụ và biện pháp đấu tranh, phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực", ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Tiến, cụm từ "tham nhũng vặt" hiện nay chưa có trong văn bản pháp luật của Nhà nước mà chỉ có trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và các kết luận, phát biểu, bài nói chuyện, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, do đó cần có khái niệm cụ thể.

Thế nào là "tham nhũng vặt"?

Để triển khai xây dựng đề án, ngày 15.10, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nhận diện, phát hiện, xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực (tham nhũng vặt) trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh".

Thanh Hóa xây dựng đề án nhận diện 'tham nhũng vặt'- Ảnh 2.

Kết quả giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa được cập nhật thường xuyên trên cổng dịch vụ công

ẢNH: MINH HẢI

20 tham luận từ đại diện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được trình bày tại hội thảo, nhằm xác định những hành vi xếp vào loại "tham nhũng vặt". Trong đó, các hành vi phổ biến có thể xác định là "tham nhũng vặt" là: chủ trì hoặc tham mưu ban hành văn bản trái với chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc ban hành văn bản sơ hở, bị lợi dụng, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Cố ý gây khó khăn, phiền hà để vòi vĩnh, đòi hỏi lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác từ doanh nghiệp, tổ chức, người dân; tiếp nhận hồ sơ hời hợt, không hướng dẫn, giải thích cặn kẽ cho tổ chức, cá nhân sau đó yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Kéo dài thời gian giải quyết công việc không đúng quy định hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để vụ lợi hoặc vì mục đích cá nhân khác...

Các hành vi "tham nhũng vặt" xuất hiện hầu hết ở các lĩnh vực, trong đó, chủ yếu ở một số lĩnh vực "nóng", như: quản lý nhà nước về đất đai, tài chính - ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất...

Ngoài việc phát hiện và xử lý "tham nhũng vặt", nội dung đề án cũng sẽ đưa ra các biện pháp ngăn chặn "tham nhũng vặt", như: đẩy mạnh hơn nữa công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội; thường xuyên đối thoại lắng nghe ý kiến nhân dân...

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, cho biết dự kiến đến tháng 11.2024, Ban Nội chính tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ hoàn thành dự thảo đề án nhận diện, phát hiện, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực (tham nhũng vặt) trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.