Sau 6 năm thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, kết quả cho thấy có nhiều điểm tích cực, trong đó việc tập trung vào một đầu mối đã không còn gây chồng chéo, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa 3 sở: Y tế, Công thương và NN-PTNT; các vụ ngộ độc thực phẩm giảm…
Từ kết quả đó, UBND TP.HCM đã trình Chính phủ đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP.HCM.
Cán bộ thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) vào rạng sáng 11.12 |
KHÁNH TRẦN |
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM liên quan đến vấn đề trên.
DUY TÍNH |
“Đã hết sức nỗ lực”
Thưa PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, bà có thể chia sẻ Ban Quản lý ATTP TP.HCM hiện nay hoạt động với mô hình, chức năng, nhiệm vụ như thế nào?
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Ban Quản lý ATTP TP.HCM được thành lập theo Quyết định số 2349 ngày 5.12.2016 của Thủ tướng, là mô hình thí điểm tập hợp lực lượng quản lý ATTP từ 3 sở: Y tế, Công thương và NN-PTNT, với nhiệm vụ làm đầu mối thống nhất tham mưu cho UBND TP.HCM trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP cho cộng đồng. Cho đến nay, ban đã trải qua gần 6 năm thí điểm thực hiện mô hình.
Thời gian qua, ban phát huy vai trò, hiệu quả ở mức nào trong việc kiểm soát ATTP trên địa bàn TP.HCM?
Tập thể ban đã hết sức nỗ lực, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm ATTP cho người dân TP.HCM. Kết quả cụ thể thể hiện ở các chỉ tiêu đánh giá trong báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập ban: tăng cường đội ngũ thanh tra và hoạt động thanh kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm, kết quả kiểm nghiệm ATTP cải thiện hằng năm, tăng sản lượng thực phẩm sạch, giảm số lượng và quy mô ngộ độc thực phẩm, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, cải cách hành chính giảm phiền hà cho doanh nghiệp khi thống nhất một đầu mối quản lý. Có thể nói việc kiểm soát ATTP trên địa bàn TP.HCM đã hiệu quả hơn so với thời gian trước.
Theo bà, có những bất cập nào về mô hình, tổ chức bộ máy của ban hiện nay cần điều chỉnh, nâng cấp?
Vì là mô hình mới, chưa có trong hệ thống văn bản pháp luật, lại đang trong thời gian thí điểm nên ban đã gặp một số vướng mắc về pháp lý (thẩm quyền thanh tra, ra quyết định xử phạt) cũng như tổ chức nhân sự (tuyển dụng, chuyển đổi công chức, viên chức). Tất cả các khó khăn đã được TP.HCM tạm tháo gỡ để bảo đảm hoạt động của ban, nhưng nếu được chính thức hóa thành mô hình sở thì sẽ giải quyết được tận gốc.
Cán bộ thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra hàn the trong thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) vào rạng sáng 11.12 |
KHÁNH TRẦN |
Có mô hình hợp lý để hóa giải các thách thức
Qua 6 năm, bà nhận thấy những nguy cơ nào về ATTP mà TP.HCM đang đối mặt?
Có thể phân loại thành 2 nguy cơ: nguy cơ trước mắt đến từ việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm không đúng. Với khí hậu nóng ẩm và môi trường ít nhiều bị ô nhiễm thì nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn là rất cao, có thể gây ngộ độc thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng.
Nguy cơ lâu dài chính là sự tồn dư của các hóa chất độc hại đến từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi, các chất phụ gia cấm..., với các biểu hiện không dễ phát hiện ngay mà có thể kéo dài hàng chục năm sau. Với thực trạng hệ thống sản xuất kinh doanh thực phẩm còn manh mún và thói quen ăn uống còn chủ quan tùy tiện, nguy cơ mất ATTP vẫn luôn hiện hữu ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Bản thân tình hình ATTP luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ, người dân rất bức xúc và lo lắng. Phải quyết liệt giải quyết, đến Ban Bí thư còn phải ra Chỉ thị 17. Việc thành lập sở không phải là chiếc đũa thần, không bảo đảm tất cả, nhưng phải tận dụng mọi giải pháp, và phải khẩn trương vì thời gian không đợi.
Đô thị TP.HCM có 13 triệu dân, cần phải có cơ chế, mô hình, tổ chức bộ máy như thế nào, để đảm bảo giải quyết được vấn đề quản lý ATTP hiệu lực, hiệu quả?
Trách nhiệm kiểm soát ATTP cho một đô thị lớn 13 triệu dân là rất nặng nề, đòi hỏi phải có một cơ chế, mô hình, tổ chức bộ máy thích hợp.
Trước mắt không thể đòi hỏi tăng biên chế, vậy phải tổ chức sao cho hoạt động hiệu quả hơn, thống nhất đầu mối quản lý để tăng sức mạnh, đề cao vai trò và trách nhiệm, phân công hợp lý hơn. Chúng ta đã có các thí dụ về quản lý ATTP ở các đô thị lớn trên thế giới luôn phải tập trung một đầu mối có trách nhiệm và thẩm quyền quản lý.
Thực tế hiện nay quản lý ATTP ở VN được phân công cho 3 bộ ở T.Ư (Y tế, Công thương và NN-PTNT), xuống các tỉnh, thành là một phần lực lượng của 3 sở tương ứng; việc phối hợp còn nhiều lúng túng, ai lo lĩnh vực người nấy, khó xác định kịp thời trách nhiệm để ứng phó. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP từ T.Ư đến tỉnh, thành, quận, huyện còn mang tính mặt trận, cũng không thể làm thay cho một cơ quan quản lý chính.
“Sở ATTP không phải chiếc đũa thần”
Nếu được thành lập Sở ATTP thì sở này vận hành, hoạt động ra sao để tránh chồng chéo, cha chung không ai khóc, giải quyết được những nguy cơ mất ATTP?
Như kinh nghiệm qua 6 năm hoạt động thí điểm của ban, khi tập trung nhiệm vụ quản lý ATTP từ 3 sở về ban, đã không có chồng chéo nhiệm vụ giữa 3 sở, mà là nhiệm vụ nội bộ trong ban, được phân công, xây dựng và triển khai kế hoạch từ đầu, chủ động giải quyết công việc.
Sẽ “chính danh” hơn khi thành lập sở
Tại TP.Đà Nẵng, Ban Quản lý ATTP là cơ quan tương đương cấp Sở thuộc UBND TP.Đà Nẵng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP của 3 sở: Y tế, Công thương và NN-PTNT (tương tự TP.HCM).
Theo đánh giá của UBND TP.Đà Nẵng, mô hình Ban Quản lý ATTP đã cụ thể hóa được chủ trương đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đồng thời cho phép tập trung đầu mối quản lý ATTP đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ngày 11.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng, cho biết hiện nay trong giai đoạn thí điểm mô hình ban quản lý nên một số điều khoản luật đang được vận dụng, nếu ban quản lý trở thành sở sẽ “chính danh, định phận” hơn, càng phát huy hiệu quả hơn nữa.
Nguyễn Tú
Nếu đối với 3 sở trước đây, nhiệm vụ bảo đảm ATTP không phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho từng sở vì còn nhiều nhiệm vụ khác, thì với ban và hy vọng là với Sở ATTP, nhiệm vụ kiểm soát ATTP là nhiệm vụ duy nhất, hàng đầu, cần tập trung thực hiện, cũng không thể trốn tránh trách nhiệm, đổ thừa đổ lỗi... Sở ATTP có nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP.HCM, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hành động bảo đảm ATTP, giải quyết từng bước các nguy cơ mất ATTP, làm đầu mối phát hiện, phân tích, xử lý các sự cố về ATTP...
Nếu được thành lập sở, liệu có cam kết được là sẽ quản lý triệt để, hiệu quả, khắc phục được những bất cập, hạn chế trong vấn đề quản lý ATTP không?
Chúng tôi đánh giá có 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bảo đảm ATTP. Thứ nhất là thực trạng sản xuất kinh doanh manh mún và ý thức người dân. Thứ hai là hệ thống quy định pháp luật về ATTP chưa đồng bộ. Thứ ba là hệ thống quản lý chưa hiệu quả. Việc thành lập sở chỉ có thể giải quyết phần nào nguyên nhân thứ ba, từ đó có các tác động tích cực hơn đến 2 nguyên nhân đầu, để cải thiện hiệu quả bảo đảm ATTP.
Kết quả thí điểm 6 năm cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, cho nên việc thành lập sở chắc chắn sẽ quản lý hiệu quả hơn, nhưng chưa đủ để quản lý triệt để. Chúng ta cần đầu tư hơn nữa cho công tác ATTP trong nhiều mặt, như tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
Theo bà, người dân có thể sẽ yên tâm, được lợi gì về ATTP khi có sở này?
Xin đánh giá quá trình thí điểm Ban Quản lý ATTP và thành lập Sở ATTP như một nỗ lực tháo gỡ, tìm giải pháp của Thành ủy và UBND TP.HCM trước yêu cầu cấp thiết bảo đảm ATTP cho người dân TP. Vì vậy, hoạt động hiệu quả của mô hình mới - Sở ATTP, chính là vì lợi ích của người dân, để cộng đồng chúng ta được an tâm và an toàn sử dụng thực phẩm.
Nếu chưa cho lập sở hoặc không lập sở, thì có hệ quả gì không?
Bản thân tình hình ATTP luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ, người dân rất bức xúc và lo lắng. Phải quyết liệt giải quyết, đến Ban Bí thư còn phải ra Chỉ thị 17. Việc thành lập sở không phải là chiếc đũa thần, không bảo đảm tất cả, nhưng phải tận dụng mọi giải pháp, và phải khẩn trương vì thời gian không đợi. Bởi qua thí điểm 6 năm cho thấy hiệu quả, ban không tăng biên chế, lại hợp lý khi tăng sức mạnh nhờ thống nhất một đầu mối như mô hình các nước.
Tại sao chần chừ? Nếu do quy định hiện hành thì làm sao đổi mới sáng tạo? Cứ nói quy định pháp luật bất cập, nhưng sửa rất lâu.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)