Thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM: Lo ngại vướng mắc pháp lý

12/12/2022 05:57 GMT+7

Đại diện một số bộ đã đưa ra ý kiến về đề án thành lập Sở ATTP của UBND TP.HCM.

Theo Bộ Tư pháp, một trong những khó khăn, hạn chế trong thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý ATTP được nêu tại dự thảo đề án thành lập Sở ATTP của UBND TP.HCM là hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật không còn quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh tương đương, nên Ban Quản lý ATTP chỉ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành mà chưa có chức năng thanh tra hành chính (xử phạt hành chính).

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, việc đề xuất thành lập Sở ATTP không khắc phục được khó khăn, vướng mắc này do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định về chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của sở này. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP.HCM đề xuất giải pháp để khắc phục vướng mắc, bất cập trên, bảo đảm khả thi.

Trường hợp UBND TP.HCM cho rằng việc thành lập Sở ATTP là thật sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thì cần xây dựng đề án để tổ chức lại các sở: Y tế, Công thương, NN-PTNT để chuyển nhiệm vụ về vệ sinh, ATTP từ các cơ quan này về Sở ATTP (nếu được thành lập).

Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ, trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức Ban Quản lý ATTP tại một số tỉnh, thành được thành lập thí điểm (cả nước có TP.HCM, TP.Đà NẵngBắc Ninh), Bộ Y tế có trách nhiệm đề xuất sửa đổi luật ATTP, phân định rõ trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước về ATTP với trách nhiệm thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm, làm cơ sở cho việc hình thành mô hình tổ chức thực thi pháp luật về ATTP thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Về phần mình, Bộ NN-PTNT đánh giá các nhiệm vụ dự kiến của Sở ATTP đề xuất trong đề án thành lập chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành trực T.Ư, lĩnh vực ATTP không thuộc lĩnh vực đặc thù, và Sở ATTP không được quy định là sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương. Đồng thời, chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP đối với nông sản, lâm sản, thủy sản, muối đã được quy định cho Sở NN-PTNT, Sở Công thương và Sở Y tế.

Bộ Y tế thì cho hay hiện nay khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao; công chức, viên chức có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Ban Quản lý ATTP có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn thiện hồ sơ để ban chuyển đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo quy định để xử phạt vi phạm hành chính.

Nguy cơ chồng chéo nhiệm vụ ?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho hay trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau để quản lý ATTP nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 mô hình.

Thứ nhất, ở các nước châu Âu, khu vực đang có hệ thống kiểm soát ATTP chặt chẽ, tiên tiến hiện đại nhất thế giới, họ đã tách riêng cơ quan đánh giá nguy cơ rủi ro ATTP (EFSA) và cơ quan quản lý ATTP. Theo đó, EFSA có trách nhiệm tham vấn, tư vấn, quyết định, kiểm duyệt mức độ an toàn của các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm lưu thông trên toàn lãnh thổ các thành viên EU. Còn cơ quan quản lý thì đưa ra các chính sách, quy định của pháp luật, tiến hành các hoạt động thanh kiểm tra, giám sát.

Mô hình phổ biến thứ hai là có nhiều bộ cùng quản lý ATTP theo các chuỗi được áp dụng tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… VN đang áp dụng theo mô hình này. Cụ thể, Bộ Y tế được giao là cơ quan chủ trì về ATTP, nhưng nếu là chuỗi sản phẩm trong ngành nông nghiệp thì Bộ NN-PTNN phải có trách nhiệm quản lý; tương tự với Bộ Công thương cũng vậy, để kiểm soát ATTP theo chuỗi các ngành hàng, sản phẩm.

Ông Hồng cho rằng nếu đề xuất thành lập Sở ATTP mà chỉ có chức năng quản lý nhà nước chung chung không sát thực với các quy trình sản xuất, chế biến như ngành nông nghiệp và công thương hiện nay, thì chỉ là quản lý ATTP ở “phần ngọn”; trong khi “gốc rễ” để có ATTP phải là những tiêu chuẩn kỹ thuật, các chứng chỉ, chứng nhận, quy trình sản xuất, chế biến… do các cơ quan chuyên môn xây dựng, ban hành làm công cụ để thanh kiểm tra, giám sát.

Điều này được quy định chi tiết trong luật ATTP, khi các bộ trưởng: Y tế, NN-PTNT, Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Nên có cơ chế đặc thù

Ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho rằng Ban ATTP là mô hình thí điểm tại TP.HCM đã qua nhiều năm hoạt động, đã giải quyết hiệu quả một số vấn đề chồng chéo trước đây, khi lồng ghép được công việc của các ngành nông nghiệp, công thương và y tế. Điểm khó của TP.HCM hiện nay là sau thời gian thí điểm, đánh giá là đã có hiệu quả thì đưa mô hình này phát triển thế nào.

“Nếu xét về quy mô dân số và thị trường tiêu thụ, TP.HCM là địa bàn trọng điểm lớn nhất cả nước về sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu thực phẩm, việc nâng cấp Ban ATTP lên thành Sở ATTP cũng không phải là không xứng đáng, nhưng tiếp tục phải là mô hình thí điểm”, ông Trung nói.

Theo ông, “TP.HCM phải đề xuất T.Ư xem xét cho phép thí điểm mô hình Sở ATTP theo cơ chế đặc thù và phải quy định, có tiêu chí rõ ràng để không nhất thiết tỉnh nào, địa phương nào cũng phải thành lập sở này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.