Thanh niên Quảng Ninh khởi nghiệp từ phát triển văn hóa bản địa

26/12/2023 10:30 GMT+7

Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy vai trò của thanh niên Quảng Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người bản địa.

Quảng bá văn hóa bản địa kết hợp với phát triển kinh tế

Từ sự trợ sức tích cực của tổ chức Đoàn và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của thanh niên Quảng Ninh, hàng chục mô hình thanh niên khởi nghiệp từ ý tưởng phát triển văn hóa bản địa đã được hình thành và phát triển.

Cụ thể là các mô hình tiêu biểu như: biểu diễn văn nghệ cùng các trò chơi dân gian tại phố đi bộ, Hội trại bản sắc dân tộc, Ngày hội văn hóa dân tộc Tày của Huyện đoàn Tiên Yên; mô hình "CLB Thuyết minh viên" của Thành đoàn Móng Cái với hoạt động tham gia hướng dẫn, giới thiệu với khách du lịch về giá trị, ý nghĩa của các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn thành phố, qua đó quảng bá nét đẹp văn hóa, đặc trưng của vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Đáng chú ý là các mô hình thanh niên khởi nghiệp từ phát triển nghề truyền thống, sản phẩm địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với định hướng gìn giữ, phát huy văn hóa bản địa như: mô hình Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm với các hoạt động trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán; mô hình khu du lịch Homestay Pạc Sủi, khu du lịch trải nghiệm Family Ecozone của thành viên CLB Đầu tư và khởi nghiệp H.Tiên Yên…

Thanh niên Quảng Ninh khởi nghiệp từ phát triển văn hóa bản địa- Ảnh 1.

Không chỉ đánh thức du lịch ở địa phương bằng cách quảng bá rộng rãi những nét văn hóa, trang phục truyền thống, món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc mình, các mô hình trên còn mang lại lợi ích kinh tế, khơi dậy khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giúp cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội và trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của địa phương.

Số hóa các điểm di tích lịch sử, địa chỉ đỏ

Trong 2 năm trở lại đây, tuổi trẻ toàn tỉnh đã và đang triển khai tích cực mô hình "Bản đồ số các di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ", cụ thể là lắp đặt các bảng có gắn mã QR tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh để người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin về các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Theo đó, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Ninh đã xây dựng và ra mắt công trình thanh niên cấp tỉnh "Bản đồ các địa chỉ đỏ - ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng và phát triển du lịch tỉnh" chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh, toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, với gần 40 di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ được chuẩn hóa nội dung số, bao gồm hình ảnh, video với đầy đủ các góc quay và sử dụng công nghệ AI giọng nói để thuyết minh cho từng địa danh; tương tự du khách đang tham quan và lắng nghe thuyết minh thực tế, thu hút hàng chục nghìn lượt quét mã QR, cho thấy công trình đã phát huy ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn, quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh.

Ngoài ra, thanh niên Quảng Ninh cũng đã và đang tham gia sáng tạo nội dung số, tạo ra nhiều sản phẩm truyền thông dưới dạng video ngắn trên các nền tảng số Facebook, TikTok (như trang: Dihalong, Hienreviewcoto…) với nội dung chính về trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, du lịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh, giới thiệu tới cộng đồng mạng xã hội (MXH) những nét đẹp về văn hóa, con người của mỗi vùng miền; tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng MXH, lan tỏa hiệu quả những giá trị về văn hóa, con người Quảng Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế qua MXH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.