Ngày 24.12, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức phiên làm việc thứ 2 (cũng là phiên làm việc cuối cùng) của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM (gọi tắt là nghị định).
Trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam
Dự thảo nghị định mới nhất gồm 8 chương, 46 điều quy định về tổ chức và hoạt động của UBND quận và phường, chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận và phường; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP thuộc TP.HCM; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường... Mô hình CQĐT ở TP.HCM sẽ không tổ chức HĐND cấp quận và phường mà chỉ có UBND quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Số lượng cơ quan chuyên môn cấp quận không quá 12 phòng ban; số lượng cấp phó không quá 24 người; UBND quận căn cứ vào khối lượng công việc và tình hình thực tế có thể điều chỉnh, đảm bảo tính chủ động.
|
Ngày 9.12 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Đây là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước, là ấp ủ nhiều năm của chính quyền TP.HCM. Để đảm bảo các điều kiện pháp lý cho TP.Thủ Đức phát triển, dự thảo nghị định lần này dành 1 chương quy định về thẩm quyền, bộ máy, nhân sự và cơ chế. Cụ thể, số lượng Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và cấp phó phòng ban chuyên môn không quá 5 người cho đến hết nhiệm kỳ. Chậm nhất là 5 năm từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Thủ Đức có hiệu lực thi hành (ngày 1.1.2021), số lượng cấp phó của UBND TP.Thủ Đức thực hiện theo quy định của pháp luật (3 người).
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất sau 5 năm, số lượng cấp phó của UBND TP.Thủ Đức không quá 4 người, không quá 13 phòng ban chuyên môn, số lượng cấp phó phòng ban không quá 39 người, bởi TP.Thủ Đức sau khi thành lập có 34 phường, rộng hơn 211 km2 và hơn 1 triệu dân, nên khối lượng công việc sẽ nhiều hơn các quận, huyện khác.
Đáng chú ý, trong số 13 phòng ban chuyên môn, dự kiến có Phòng Khoa học - Công nghệ vì TP.Thủ Đức phát triển trong không gian của khu đô thị sáng tạo tương tác cao nên vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng. “Chúng tôi định hướng nơi đây sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất VN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”, ông Phong nói, đồng thời đề xuất cho phép TP.Thủ Đức được thực hiện nhiệm vụ chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nơi đây phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Ý tưởng về khu đô thị sáng tạo tương tác cao được TP.HCM xây dựng trên 3 trụ cột có sẵn gồm: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm (Q.2), khu Công nghệ cao (Q.9) và khu Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức).
Trao nhiều quyền hơn cho TP.Thủ Đức
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đánh giá việc TP.Thủ Đức có không quá 13 phòng chuyên môn, vượt 1 phòng nếu chiếu theo Nghị định 108/2020 của Chính phủ, chính là cơ chế đặc thù đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức. Sau này, TP.HCM mở rộng thêm các TP khác thì cũng thực hiện theo nghị định này. Ông Tuấn cũng thống nhất đề xuất Thủ tướng cho phép TP.Thủ Đức có 4 phó chủ tịch UBND (vượt 1 người) cho phù hợp với tình hình của một “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. Đối với số lượng phó chủ tịch quận và cấp phó cơ quan chuyên môn dôi dư sau khi sáp nhập, ông Tuấn đề nghị TP.HCM sắp xếp theo lộ trình, bố trí công việc, đảm bảo sự ổn định; cán bộ, công chức dôi dư sắp xếp dựa trên vị trí việc làm để xác định biên chế.
Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng, quy định cụ thể các lĩnh vực liên quan. Các cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, rà soát pháp lý chặt chẽ, đánh giá tác động kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho TP.Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, có vai trò là “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. “Khi các chính sách đặc thù chưa thể triển khai, TP.HCM sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất cho TP.Thủ Đức”, ông Phong nói.
|
Theo dự thảo nghị định, TP.Thủ Đức sẽ được HĐND TP.HCM quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. TP.Thủ Đức cũng được trao cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương và sử dụng phần kết dư để đầu tư cơ sở hạ tầng. Để thu hút nhân lực trình độ cao, TP.Thủ Đức sẽ có chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Về tiến độ xây dựng nghị định, ông Phong cho biết để đảm bảo đồng bộ với tiến độ triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp thì nghị định về tổ chức chính quyền địa phương tại TP.HCM cần ban hành kịp thời. Sau khi Bộ Nội vụ hoàn chỉnh nội dung sẽ gửi Bộ Tư pháp rà soát thẩm định rồi mới trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị định. TP.HCM mong muốn nhận được sự quan tâm của các cơ quan T.Ư để nghị định ban hành trước ngày 1.1.2021. Dù theo quy định, sau khi có nghị quyết thì TP.HCM có 60 ngày để chuẩn bị nhưng do ngày 23.5 sẽ bầu cử trên phạm vi toàn quốc nên công tác chuẩn bị phải gấp rút hơn.
Chính quyền sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi giấy tờTrao đổi với báo chí sau phiên họp của Ban Soạn thảo nghị định vào hôm qua (24.12), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ mô hình CQĐT tại TP.HCM chắc chắn sẽ tạo ra được sự đột phá để giúp TP.HCM phát triển trong thời gian tới bởi mô hình này vừa đáp ứng được yêu cầu bộ máy hành chính tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa đáp ứng được các nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Về TP.Thủ Đức, ông Tuấn cho biết trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM đã nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức.
Dự kiến vào ngày 31.12.2020, TP.HCM làm lễ công bố nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức. Bộ máy hành chính cũng đang được sắp xếp để đảm bảo chậm nhất là ngày 1.3.2021 sẽ đi vào hoạt động. Ông Tuấn nhấn mạnh từ nay đến khi bộ máy hành chính ở TP.Thủ Đức và các phường thuộc diện sáp nhập đi vào hoạt động, các quận, phường phải đảm bảo hoạt động liên tục, thường xuyên để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân trong cuộc sống; các thủ tục hành chính vẫn được giải quyết bình thường.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định chính quyền sẽ hỗ trợ người dân 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức trong chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập; lộ trình chuyển đổi giấy tờ sẽ được nêu cụ thể tại lễ công bố Nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức vào ngày 31.12.2020.
|
Bình luận (0)