Các công trình được ứng dụng vào thực tế
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và đạt huy chương bạc dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, Lê Thanh Long có cơ hội được đi du học ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Quốc Lập T.Ư Đài Loan vào năm 2016, anh tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đài Loan thêm một thời gian, đầu năm 2017 anh Long về nước và công tác tại Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Tiến sĩ Lê Thanh Long nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2022 |
Từ thời sinh viên, thông qua những hội nghị nghiên cứu khoa học đã giúp anh Long có “cảm tình” với con đường nghiên cứu. Khi đi du học, có môi trường cọ xát và được đào tạo bài bản thì con đường nghiên cứu khoa học của anh Long chính thức bắt đầu.
Tiến sĩ trẻ từng đạt giải nhất về nhà nghiên cứu khoa học VN xuất sắc trong lĩnh vực cơ khí năm 2016, giải thưởng Quả cầu vàng năm 2022 của T.Ư Đoàn, Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư năm 2020, Cán bộ trẻ tiêu biểu điển hình của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2019 và 2021…
Đến thời điểm hiện tại, anh Long đã có trên 40 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Trong đó, anh là tác giả chính của 4 bài báo thuộc danh mục Q1, trong 3 bài báo thuộc danh mục Q2 thì anh là tác giả chính của 2 bài, đồng thời anh cũng là tác giả chính 1 bài báo thuộc danh mục Q3, 3 bài báo thuộc danh mục Q4/Scopus…
Tiến sĩ Long những lúc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, chế tạo |
Anh Long cho biết hướng nghiên cứu chính của anh là tính toán động lực học chất lưu để ứng dụng trong các thiết bị điện tử. Và công trình nổi bật nhất là nghiên cứu sự chuyển động mao dẫn nhiệt của chất lỏng trong kênh dẫn micro dưới tác dụng của nguồn nhiệt laser. Công trình nghiên cứu này cung cấp một phương pháp mới để điều khiển linh hoạt giọt chất lỏng trong kênh dẫn vi lưu, đó là dùng nguồn nhiệt phát ra từ laser. Việc tìm ra phương pháp mới có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển các thiết bị chip điện tử dùng trong công nghệ nano, hệ thống vi cơ điện tử MEMS và lĩnh vực tự động hóa.
Tiến sĩ trẻ lấm lem bùn đất và xi măng để cùng sinh viên làm nên những tuyến đường bê tông cho người dân |
NVCC |
Một điều khá ấn tượng là anh Long cùng với nhóm nghiên cứu của mình đã chế tạo thành công 2 sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng trong thực tế. Ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng ở TP.HCM, anh Long cùng nhóm đã sáng tạo ra sản phẩm buồng phun dịch khử khuẩn đa năng, có chức năng phun tự động ở dạng sương bằng công nghệ phun siêu âm nhằm khử khuẩn và hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Sản phẩm đã góp phần vào việc chung tay phòng, chống dịch bệnh của thành phố.
Một sản phẩm khác cũng rất ấn tượng là hệ thống IoT check-in Bách khoa giúp nhận dạng danh tính người vào trường thông qua việc quét thẻ bằng camera, đảm bảo việc mang khẩu trang trước khi vào trường, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn bằng thiết bị tự động và toàn bộ dữ liệu được lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của trường.
“Thời gian hệ thống xử lý rất nhanh, chỉ dưới 5 giây/người nên đảm bảo tránh nguy cơ ùn tắc trong giờ cao điểm khi số lượng người ra vào trường đông đúc. Ngoài Trường ĐH Bách khoa thì sản phẩm đã được vận hành và triển khai tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ngoài ra, tôi và nhóm nghiên cứu cũng đang hoàn thành giai đoạn cuối của sản phẩm phòng áp lực âm”, anh Long kể và cho biết phòng áp lực âm có nghĩa là áp suất trong phòng thấp hơn áp suất môi trường, vì vậy không khí chỉ có thể đi từ một phía và không thể thoát ra qua phía đã vào. Điều này giúp đảm bảo an toàn vi sinh, không cho vi rút phát tán ngược ra môi trường trong quá trình ra vào chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Chỉ muốn cống hiến và đóng góp cho xã hội
Hiện tại ngoài công việc là giảng viên, anh Long còn là chủ nhiệm câu lạc bộ Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên VN Q.10, TP.HCM. Anh cũng nguyên là Ủy viên BCH Đoàn trường, nguyên Bí thư Đoàn khoa Cơ khí.
Kể về cơ duyên đưa một tiến sĩ với những nghiên cứu khoa học đến với công tác Đoàn và những hoạt động cộng đồng, anh Long chia sẻ: “Trước đây mình là Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Trường ĐH Quốc Lập T.Ư Đài Loan, về nước thì đúng lúc vị trí Đoàn thanh niên ở khoa đang cần người tiếp quản nên mình xung phong đảm nhận. Vì mình nghĩ thời gian tuổi trẻ không còn nhiều nên mình phải tranh thủ, mình muốn cống hiến tuổi trẻ của mình cho Đoàn”.
Thường mọi người sẽ nghĩ làm nghiên cứu thì phải suốt ngày “ăn ngủ” với những nghiên cứu đó. Nhưng với anh Long: “Sau khi đi học về, mình mới thấy được là việc mình vừa nghiên cứu, vừa làm việc và tham gia các hoạt động Đoàn sẽ giúp cho mình năng động hơn rất nhiều. Chính vì thế, mình sắp xếp thời gian, cân đối sao cho hợp lý. Nói chung, toàn bộ thời gian và tâm huyết của mình là dành cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác Đoàn”.
“Bản thân mình luôn mong muốn cống hiến và đóng góp cho xã hội nên không chỉ nghiên cứu để tạo nên những công trình, sản phẩm có giá trị cho cộng đồng mà mình còn chọn tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, tổ chức những chương trình ý nghĩa. Và rồi, chính những hoạt động cộng đồng đó lại bổ trợ cho việc nghiên cứu của mình rất nhiều, vì nó giúp mình càng có động lực cống hiến nhiều hơn nữa, từ đó mình làm được những nghiên cứu mới và có nhiều ý nghĩa hơn”, anh Long bộc bạch.
Ở trong nghiên cứu, anh Long làm việc với tác phong đúng chuẩn của một nhà khoa học. Lúc tổ chức các chương trình, chiến dịch tình nguyện về với vùng sâu vùng xa thì chàng tiến sĩ ấy không ngại dang nắng dầm mưa, quần áo lấm lem bùn đất và xi măng để cùng sinh viên của mình làm nên những tuyến đường bê tông cho người dân. Biết bao công trình, tuyến đường mà trong đó có công sức, nhiệt huyết của anh và sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã làm cho những làng quê trở nên đáng sống hơn.
Đến thời điểm hiện tại, điều mà anh Long luôn đau đáu nhiều nhất vẫn là muốn tổ chức được nhiều sân chơi, cũng như các chương trình, hoạt động cộng đồng để sinh viên ngoài việc học, nghiên cứu trên trường vẫn có môi trường, cơ hội để vừa giảm căng thẳng, vừa được góp sức làm những điều có ý nghĩa và giá trị cho cộng đồng.
Đặc biệt, gửi những tâm huyết đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, anh Long mong muốn tổ chức Đoàn sẽ phát hiện và ghi nhận các thành tích đóng góp của các tài năng trẻ. Cũng như cần có chính sách, cơ chế để tạo điều kiện cho các tài năng trẻ có cơ hội đóng góp, cống hiến cho đất nước nhiều hơn nữa.
Bình luận (0)