Thanh tra Chính phủ nói gì về việc 'cán bộ bị khám xét lòi ra tài sản khủng'?

04/09/2024 15:37 GMT+7

Cử tri đề cập tình trạng nhiều trường hợp sau khi bị cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện ra khối tài sản rất lớn, không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Thanh tra Chính phủ mới đây có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung được quan tâm, đó là kê khai tài sản.

Thanh tra Chính phủ nói gì về việc 'cán bộ bị khám xét  lòi ra tài sản khủng'? - Ảnh 1.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực

ẢNH: T.N

Bị khám xét mới lòi khối tài sản khủng

Theo cử tri, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện hàng năm và nộp về cơ quan có thẩm quyền quản lý theo Nghị định 130/2020.

Tuy nhiên, vừa qua có nhiều trường hợp sau khi bị cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện ra khối tài sản rất lớn, không kê khai, không rõ nguồn gốc. Cử tri kiến nghị cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc hơn vấn đề này.

Thanh tra Chính phủ cho hay, kiểm soát tài sản, thu nhập là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng; phù hợp với chủ trương mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định, biện pháp trong công tác quản lý việc kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điển hình là Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 về việc phê duyệt đề án "Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập". Đây là dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 390 nói chung và việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trên phạm vi cả nước nói riêng.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan có liên quan tham gia phối hợp, nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và chỉ đạo ban hành liên quan đến việc phòng, chống, thu hồi tài sản tham nhũng.

Thủ tướng đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập hằng năm. Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn và các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch và triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên.

6 tháng đầu năm 2024, có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; trong đó 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có chức năng trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.

Thanh tra Chính phủ nói gì về việc 'cán bộ bị khám xét  lòi ra tài sản khủng'? - Ảnh 2.

Thanh tra Chính phủ tổ chức bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập

ẢNH: N.N

Đưa các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền vào "tầm ngắm"

Cử tri cũng đề cập tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phát sinh, do đó đề nghị có giải pháp đồng bộ, kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thanh tra Chính phủ cho hay, công tác phòng, chống, xử lý tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được Đảng, Nhà nước không ngừng đẩy mạnh, với phương châm "không có vùng cấm, ngoại lệ", qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong lĩnh vực này. Điển hình là việc hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vật", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ, kim khí quý, đá quý qua biên giới...

Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10.1.2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 3.6.2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7.12.2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.