(TNO) Ngày 5.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà có cuộc trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vụ Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (gọi tắt là Hào Dương) coi thường pháp luật, nhiều lần xả trái phép nước thải độc hại ra môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực, gây bất an trong dư luận xã hội.
|
Mở đầu, ông Lê Mạnh Hà nói: “Tinh thần là UBND TP.HCM rất kiên quyết trong vụ này, tức nhiên là không phải do sức ép của dư luận mà vì chúng ta phải quản lý theo đúng quy định pháp luật”.
Chưa mạnh tay
Tuổi Trẻ: Vụ xả thải trái phép rạng sáng 24.10 vừa qua không phải là lần đầu Hào Dương vi phạm, mà trước đó công ty này đã vi phạm đến 9 lần rồi. Có giảm giác thành phố chưa mạnh tay lắm?
|
Ông Lê Mạnh Hà: Thật sự mà nói thành phố xử lý chưa mạnh tay lắm thì có một phần đúng thôi, một phần là do lịch sử để lại, đó là quá trình hình thành, hoạt động công ty này và Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Trước đây chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp gây ô nhiễm vào Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Sau đó, chúng ta quy hoạch khu công nghiệp này là khu công nghiệp sạch, theo đó các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu mới.
Trong quá trình đó, các doanh nghiệp có thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nhưng chưa đảm bảo hết được.
Thời gian qua, thành phố, HEPZA (Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố), Sở Tài nguyên và Môi trường… cũng đã tạo điều kiện nhưng doanh nghiệp hiện giờ vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, trong thời gian tới buộc phải xử lý kiên quyết.
Tạm đình chỉ hoạt động của Hào Dương
SGGP: Ông nói sẽ xử lý kiên quyết, vậy cụ thể sự kiên quyết đó như thế nào?
- Thứ nhất là Tài nguyên và Môi trường sẽ trình và thành phố sẽ có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Hào Dương.
Thứ hai là chúng tôi cũng đã có yêu cầu Khu công nghiệp Hiệp Phước căn cứ vào hợp đồng với Hào Dương về tiếp nhận, xử lý nước thải, cũng như là cấp nước, để ngưng hợp đồng ngay. Có nghĩa là không tiếp nhận nước thải nữa, sẽ cắt nước vào, mà cắt nước vào thì không thể nào hoạt động được.
Nguồn nước vào có 2 nguồn, do Khu công nghiệp Hiệp Phước cấp và do công ty khai thác nước mặt nhờ giấy phép do Tài nguyên và Môi trường cấp.
Chúng tôi cũng yêu cầu Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép này. Như vậy, hoàn toàn không còn nguồn nước để cho Hào Dương hoạt động, sản xuất nữa; chỉ cấp nước cho sinh hoạt thôi. Nước sản xuất hoàn toàn cắt.
|
Cũng căn cứ vào hợp đồng thuê đất giữa Khu công nghiệp Hiệp Phước và Hào Dương, trong trường hợp Hào Dương vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật thì Hiệp Phước có quyền hủy hợp đồng này. Chúng tôi cũng đã yêu cầu Hiệp Phước thực hiện các bước thủ tục để hủy hợp đồng cho thuê lại đất nếu như trong thời gian tới, Hào Dương không khắc phục và đảm bảo các quy định về môi trường. Có nghĩa là vĩnh viễn không được phép hoạt động, sản xuất, kinh doanh ở đây nữa.
Tôi nghĩ đó là biện pháp rất kiên quyết của thành phố.
Hào Dương không chỉ vi phạm về môi trường…
Thanh Niên: Trong thời gian ngắn, Hào Dương có đến 10 lần vi phạm, trong lần thứ 10 này, thành phố có tính đến việc xử lý hình sự Hào Dương hay không? Theo phản ánh của người dân, việc xả thải trái phép của Hào Dương ảnh hưởng đến nguồn sống của họ. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và luật sư cho rằng, thành phố cần có thống kê thiệt hại cụ thể để yêu cầu Hào Dương đền bù cho dân.
- Hôm nay, tôi muốn thông báo các biện pháp xử lý của thành phố đối với Hào Dương trong thời gian tới. Còn các biện pháp tiếp theo, khi nào có chúng tôi sẽ thông báo, kể cả việc xử lý hình sự hay không, việc bồi thường hay không… cũng cần có thời gian.
Chúng tôi muốn làm cái gì chắc cái đó, vì không kiên quyết bước này thì các bước sau không thể nói được cái gì cả.
Trước đây, thành phố cũng giao UBND huyện Nhà Bè thực hiện việc cưỡng chế xây dựng trái phép của Hào Dương. Trong tuần này hoặc chậm nhất là tuần sau phải thực hiện chỉ đạo đó. Khoảng 8.000 m2 xây dựng trái phép đã lâu, chưa cưỡng chế, thì nay kiên quyết cưỡng chế, thể hiện sự nghiêm minh của nhà nước.
Chúng tôi cho rằng, Hào Dương không chỉ vi phạm về môi trường, mà có thể có vi phạm khác. Tín hiệu là như vậy. Do đó, hôm nay, thành phố cũng đã giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện Hào Dương để có biện pháp xử lý tốt nhất.
Thanh Niên: Hào Dương chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Thành phố có cam kết sẽ không để xảy ra vụ Hào Dương thứ 2?
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA): Như chúng tôi đã thông tin, tất cả 13 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay đều có nhà máy xử lý nước thải và có hệ thống kết nối với các doanh nghiệp. Riêng đối với Hào Dương, chúng tôi đã có ý định hạn chế hoạt động của Hào Dương bằng biện pháp quản lý nhà nước, chứ không thể để làm tràn lan. Làm tràn lan mà xả thải trái phép ra môi trường thì không thể chấp nhận được nữa.
Chưa kiên quyết
Người Lao Động: Dư luận cho rằng, để Hào Dương vi phạm đến 10 lần là do thành phố xử lý thiếu kiên quyết?
Ông Lê Mạnh Hà: Trong thời gian vừa qua, như tôi đã nói, do lịch sử hình thành của Khu công nghiệp Hiệp Phước và của Hào Dương, chúng ta di chuyển các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra đó. Sau đó, do nhận thức của chúng ta về bảo vệ môi trường tăng lêDIỆN TÍCH, có nhiều biện pháp, yêu cầu thay đổi… mà Hào Dương cũng phải đáp ứng theo.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, Hào Dương đã không theo kịp các yêu cầu của cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần xử phạt, cũng có ý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng chúng tôi thấy trong thời gian vừa qua, có cái Hào Dương cố tình vi phạm, có cái chúng ta thật sự cũng chưa kiên quyết.
Cho đến lúc này chúng tôi nghĩ là đã có biện pháp kiên quyết để thực hiện trong thời gian tới
|
Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Tất cả những biện pháp kiên quyết ấy thực hiện trong bao lâu?
- Nhanh nhất có thể. Tôi đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phải trình sớm để UBND thành phố quyết định tạm đình chỉ hoạt động Hào Dương. Thứ hai là thu hồi ngay giấy phép khai thác nước mặt.
Thanh Niên: Sự thiếu kiên quyết do trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, của HEPZA hay là của UBND thành phố?
- Suy cho cùng thì UBND thành phố chịu trách nhiệm quản lý trên địa bàn và Ủy ban phải chịu trách nhiệm trong cái sự thiếu kiên quyết đó. Chúng tôi sẽ kiên quyết.
Hào Dương chỉ được hoạt động khi đảm bảo các quy định về môi trường. Trong thời gian 6 tháng, nếu không đảm bảo, sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn. Từ nay đến sau tết, chúng ta sẽ biết số phận của Hào Dương một cách chắc chắn. Bây giờ là ngưng để khắc phục, sau 6 tháng mà không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường thì sẽ không được hoạt động. Chắc chắn là như vậy!
Chúng ta bao giờ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhưng cứ vi phạm pháp luật là không được.
Pháp Luật TP.HCM: Có ý kiến cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường có sự ưu ái trong vụ này. Bây giờ giao cho Sở này tham mưu xử lý nữa, liệu có ổn không?
- Hôm nay, tôi chưa nói đến trách nhiệm của sở, ngành, mà chỉ nói các biện pháp của thành phố...
Đình Phú (ghi)
>> Đình chỉ ngay hoạt động sai phạm của Công ty Hào Dương
>> Xử lý vi phạm của Công ty Hào Dương
>> Hai công nhân tử vong dưới hầm xử lý nước thải
>> Bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải
>> 4 KCN tại Thái Bình chưa xử lý nước thải
>> Hơn 233 tỉ đồng xử lý nước thải hậu cần cảng Tam Hiệp
>> Vận hành nhà máy xử lý nước thải
>> WB tài trợ 50 triệu USD cho các dự án xử lý nước thải
Bình luận (0)