Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ

Mai Phương
Mai Phương
26/06/2023 06:26 GMT+7

Tình trạng nhân viên tư vấn sai, ngân hàng "ép" khách mua bảo hiểm nhân thọ… thời gian qua khiến nhiều người dân bức xúc.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV công bố cuối tuần qua cũng nêu rõ một trong những việc cần làm là thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Niềm tin của khách hàng xuống mức thấp nhất

Báo cáo khảo sát vừa công bố của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường bảo hiểm đã bị phen lao đao khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ (BHNT) xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Thống kê từ các nền tảng mạng xã hội cho thấy sau khi các thông tin tiêu cực về kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (NH) và 2 vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần, từ 4.700 lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73.000 lượt thảo luận/ngày vào tháng 4 vừa qua. Loạt lùm xùm đó đã kéo niềm tin trên thị trường BHNT nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại VN. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng bị tố đã “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ

Ngọc Thắng

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2/2023 của Bộ Tài chính diễn ra vào giữa tháng 6, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - thông tin về kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp BHNT bán chéo sản phẩm qua một số NH thương mại. Kết quả cơ quan kiểm tra đã phát hiện sai phạm nhất định. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi theo quy định.

Nhiều khách hàng liên tục phản ánh những bất cập về hợp đồng, nhân viên tư vấn sai, NH "ép" khách vay tiền mua BHNT hay đỉnh điểm là câu chuyện nhân viên NH dụ dỗ khách gửi tiền chuyển sang mua bảo hiểm liên kết đầu tư. Đặc biệt là những chiêu trò, "bẫy ngầm" trong các hợp đồng BHNT khiến khách hàng luôn gánh chịu mọi rủi ro, nguy cơ mất tiền trong khi cả phía đại lý như NH lại bỏ túi siêu lợi nhuận từ hoa hồng và các loại phí cao ngất ngưởng.

Chính vì vậy, theo TS Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - việc Quốc hội ghi rõ trong nghị quyết về việc cần thanh tra toàn diện BHNT đang được nhiều người dân quan tâm, mong chờ. "Vấn đề quan trọng nhất là phải xác định rõ cái gốc của vấn đề sai phạm ở đâu? Bản chất của sản phẩm BHNT không sai. Sản phẩm liên kết đầu tư chung trong BHNT đã xuất hiện tại VN từ năm 2006 đến nay và khách hàng vẫn chấp nhận. Vì vậy theo tôi quan trọng nhất là quá trình thực hiện, triển khai chứ không phải là sản phẩm. Việc thanh tra toàn diện cần làm rõ để giúp người dân yên tâm, mang lại niềm tin vào thị trường bảo hiểm nói chung, nhất là quy trình trong đại lý lớn nhất là các NH", TS Trần Nguyên Đán nói.

4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bị thanh tra đều có sai phạm

Siết từ đào tạo đại lý, tư vấn bảo hiểm đến hoa hồng…

Theo phân tích của TS Trần Nguyên Đán, việc đào tạo, sát hạch để cấp chứng chỉ tư vấn cho nhân viên BHNT trong những năm gần đây khá lỏng lẻo. Cụ thể như thời gian đào tạo rút ngắn chỉ còn khoảng 4 - 5 buổi, tương đương khoảng 10 giờ. Trong khi tại Mỹ, học viên phải hoàn thành 52 giờ học cơ bản rồi mới được học tiếp đến sản phẩm cụ thể. Người được đào tạo sản phẩm nào thì chỉ được tư vấn sản phẩm đó. Kế đến là vấn đề giám sát hậu bán hàng chưa đạt. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Các công ty chỉ thực hiện cuộc gọi chào mừng với khách hàng sau khi ký hợp đồng BHNT là một hình thức xác nhận thông tin chứ không phải là xác nhận quá trình tư vấn của đại lý trước đó là đúng, đủ. Điều này đã mang tính "lập lờ", gian dối với khách hàng. Vì vậy theo ông, cần phải siết lại từ công tác đào tạo, sát hạch đối với tư vấn viên bảo hiểm và giám sát hậu bán hàng của doanh nghiệp.

TS Trần Nguyên Đán, giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phân tích: Nhiều NH cho rằng đây chỉ là sai phạm cá nhân. Nhưng thanh tra sẽ thấy rõ cái nào là sai phạm của cá nhân khi bị tố "ép" khách hàng mua BHNT và cái nào là sai phạm mang tính quy trình. Bởi khi có nhiều nhân viên cùng thực hiện cách thức tư vấn, bán sản phẩm như nhau thì đó là trách nhiệm của chính NH chứ không phải cá nhân vi phạm.

Liên quan đến các NH - là đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm thì cần một sự thanh tra toàn diện. Liên ngành là điều rất tốt bởi so với các đại lý bảo hiểm thông thường, nhân viên NH có kiến thức về tài chính cơ bản cao hơn, khả năng hiểu về hợp đồng BHNT nhiều hơn, được khách hàng tin tưởng hơn nhưng lại không tư vấn đúng, lừa dối khách hàng thì trách nhiệm của người làm sai và kể cả NH càng lớn hơn đại lý thông thường. 

TS Trần Nguyên Đán nhấn mạnh: Cần phải xem xét và nên yêu cầu NH tách riêng bộ phận bán BHNT độc lập hoàn toàn khỏi các dịch vụ khác. Hoạt động tư vấn BHNT cho khách hàng phải được giám sát chặt như ghi âm, ghi hình. Đồng thời, không nên bán sản phẩm liên kết đầu tư cho khách hàng đang vay tiền. Người đang vay tiền nên chăng chỉ có thể tham gia sản phẩm bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm tử kỳ là phù hợp hơn để đảm bảo việc thanh toán nợ cũng như giảm rủi ro cho cả NH. Hơn nữa, việc lừa dối khiến khách hàng mất tiền cũng gần ngang với hành vi lừa đảo nên xử phạt nghiêm, thậm chí xem xét theo tội hình sự.

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI - cho rằng khuôn khổ pháp lý với hoạt động bảo hiểm nói chung hay BHNT nói riêng đã đầy đủ. Những sai phạm xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm cần phải được thanh tra, chấn chỉnh sớm để không mang tính coi thường pháp luật, nguy hiểm cho thị trường này lẫn nền kinh tế nói chung. Ví dụ Bộ Tài chính đã quy định trần hoa hồng cho môi giới BHNT nhưng trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp vẫn chi trả hoa hồng và nhiều loại phí hỗ trợ khác cho đại lý dưới nhiều hình thức cao hơn. 

Trong đó, NH là đại lý bảo hiểm lớn nhất, "ngon" nhất vì nắm trong tay thông tin của số lượng lớn khách hàng tiềm năng và được khách hàng tin tưởng. NH lại giao chỉ tiêu cao nên nhân viên phải lôi kéo, dụ dỗ khách hàng mua BHNT. 

"Có siêu lợi nhuận thì bất chấp tất cả và từ nhân viên tư vấn đến cả NH đều nhắm mắt chạy đua theo con số tăng trưởng về khách hàng, hợp đồng…Ví dụ chính sách trả phí hoa hồng thay vì thanh toán luôn 40% cho năm đầu tiên thì có thể chia 3 năm. Hợp đồng BHNT luôn kéo dài từ 5 năm trở lên. Nếu khách hàng nào chỉ đóng năm đầu tiên mà bỏ sau đó là biết ngay không phải họ tự nguyện tham gia. Cái này thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng đâu có lợi. Không tăng trưởng cũng không vấn đề gì. Thật sự thời gian qua khi người tiêu dùng mất niềm tin, không tham gia nữa thì chính các công ty phải tự chấn chỉnh. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước thì phải thanh tra, giám sát để đảm bảo các thành viên thị trường tuân thủ đúng quy định, có sai là xử phạt", luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ thêm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.