Thanh tra việc chuyển tiền môi giới xuất khẩu lao động ra nước ngoài

Thu Hằng
Thu Hằng
26/03/2021 16:12 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra toàn diện việc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) thu và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài.

Đây là một trong những biện pháp Bộ LĐ-TB-XH đưa ra trong quyết định thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vừa được Bộ này ban hành.
Theo quyết định, Bộ LĐ-TB-XH giao Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) và Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch thực hiện các kiến nghị trong Kết luận số 2112/KL-TTCP của TTCP.
Kế hoạch thực hiện kết luận của TTCP bao gồm 3 nội dung: xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; xử lý trách nhiệm và công tác thanh tra; kiểm tra, xử lý một số vấn đề còn tồn đọng.
Trong đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH và Cục QLLĐNN sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoạt động hoặc có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra toàn diện việc các doanh nghiệp thu và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài.
Cục QLLĐNN cho biết, cơ quan này đang tiếp thu và triển khai thực hiện các kiến nghị được nêu tại Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có năng lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các kiến nghị của TTCP về cơ chế, chính sách Bộ LĐ-TB-XH đã tiếp thu và thể chế hóa vào luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có nội dung về phí môi giới đã được quy định phù hợp với quy định của các nước tiếp nhận.
Các nội dung này sẽ tiếp tục được cụ thể hóa vào các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn luật gồm một nghị định, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hai thông tư dự kiến ban hành trong năm 2021.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, ngày 4.3, TTCP thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐ-TB-XH và UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên và Hải Dương.
TTCP cho rằng, Bộ LĐ-TB-XH trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp, khiến người lao động nghèo phải trả số tiền lớn mà theo chính sách của bên tiếp nhận (Đài Loan, Nhật Bản) là không phải trả.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH kiểm điểm trách nhiệm chung trong điều hành, quản lý, đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Cục trưởng Cục QLLĐNN giai đoạn 2012 - 2016; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chánh Thanh tra Bộ từ năm 2013 - 2018 do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; kiểm tra, xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của người lao động không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến Thủ tướng quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.