Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết việc khai thác nước ngầm với khối lượng lớn có thể là nguyên nhân làm mực nước biển dâng trong những thập niên qua.
Nghiên cứu mới cho thấy khai thác nước ngầm đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Đã đến lúc phải ý thức rõ rằng nó cũng là một nguyên nhân khiến nước biển dâng cao và sẽ khiến mọi chuyện trở nên vô cùng phức tạp, khó lường.
Việc khai thác nước ngầm là một tác nhân khiến mực nước biển dâng cao - Ảnh: Physorg
|
Các dữ liệu đo đạc thủy triều cho thấy mực nước biển toàn cầu đã tăng trung bình 1,8 mm mỗi năm từ năm 1961-2003. Câu hỏi lớn được đặt ra là điều này liên quan đến sự ấm lên toàn cầu ở mức nào. Theo báo cáo năm 2007 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC), sự giãn nở nhiệt của các đại dương, nước tan chảy từ các sông băng, núi băng ở Greenland và Nam Cực là “thủ phạm” khiến mực nước biển tăng 1,1 mm mỗi năm; còn lại 0,7 mm/năm chưa rõ nguyên nhân. Đây là một bí ẩn khiến nhiều nhà khoa học tự hỏi liệu dữ liệu có chính xác hoặc có thể do một tác nhân nào đó vượt quá sự hiểu biết của mọi người hay không.
Trong cuộc nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Nature Geoscience, một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Tokyo cho biết đáp án nằm ở chỗ lượng nước lấy ra từ những tầng ngậm nước, sông suối và ao hồ phục vụ cho sự phát triển của con người và không hề được làm đầy trở lại. Lượng nước này rốt cuộc sẽ đổ ra đại dương qua hệ thống sông ngòi và sự bay hơi trong đất.
Theo cuộc nghiên cứu được tiến hành dựa trên mô hình máy tính, việc rút bớt nước ngầm là tác nhân bổ sung chính cho khoản chênh lệch 0,7 mm bí ẩn nói trên. “Sử dụng nước ngầm không bền vững, ngăn nước trong hồ nhân tạo, sự biến đổi do tác động của khí hậu đối với dự trữ nước trong đất cùng tình trạng mất nước từ các lòng chảo đóng đã góp vào mức dâng 0,77 mm mỗi năm của mực nước biển từ 1961 đến 2003, chiếm khoảng 42% tỷ lệ nước biển dâng”, các chuyên gia khẳng định.
Cuộc nghiên cứu của Đại học Tokyo nhằm tìm cách lấp đầy lỗ hổng kiến thức trong ngành khoa học phức tạp về biến đổi khí hậu. Các chuyên gia thừa nhận vẫn còn những điều chưa biết về cách các đại dương phản ứng lại với sự ấm dần lên toàn cầu, và rằng một trong những phản ứng đó là sự dâng cao của mặt nước biển - vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với hàng trăm triệu cư dân sinh sống tại các khu vực duyên hải trên khắp thế giới. Chỉ một mức tăng nhỏ, nếu được lặp lại qua từng năm, cuối cùng có thể gây tác động rất lớn đối với các khu vực dễ bị bão tố, hoặc có sự xâm nhập mặn vào tầng ngậm nước hay những cánh đồng duyên hải.
Trong báo cáo đánh giá năm 2007, IPCC cho biết các đại dương sẽ dâng cao 18-59 cm vào cuối thế kỷ này. Nhưng ước tính này chưa tính đến yếu tố nước tan chảy từ các tảng băng đồ sộ ở Greenland và Nam Cực. Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu khác được công bố ở Na Uy hồi năm ngoái cho thấy trên cơ sở xu thế tan băng hiện tại, mực nước biển sẽ tăng từ 90 cm - 1,6 m vào năm 2100.
Khang Huy
>> Khoảng 4 triệu người sẽ đói nghèo do nước biển dâng
>> ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu
>> TP.HCM: Mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập
>> Bạc Liêu kêu gọi viện trợ các dự án biến đổi khí hậu
>> Khai thác cát trộm, tàn phá đê sông
>> Nghiên cứu xây dựng đê biển vịnh Rạch Giá
>> Băng tan trên diện rộng
>> “Sống chung” với triều cường
Bình luận (0)