Tháo các 'nút thắt' đầu tư công

30/10/2024 05:59 GMT+7

Sáng 29.10, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ đã trình bày tờ trình về luật Đầu tư công sửa đổi.

Sửa 1 dấu phẩy, 1 từ cũng phải trình

Theo Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện, luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số vướng mắc cấp bách cần tháo gỡ. Dự thảo luật sửa đổi bổ sung 7 nhóm quan điểm lớn như bổ sung quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Cắt giảm, đơn giản hóa một số trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác.

Tháo các 'nút thắt' đầu tư công- Ảnh 1.

Công trường thi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, dự án luật đề xuất nhiều chính sách như tách dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư thành dự án độc lập; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giữa các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương từ Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho Thủ tướng. Cùng đó, Chính phủ cũng đề nghị nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết từ 10.000 tỉ đồng lên 30.000 tỉ đồng; đồng thời tăng gấp đôi quy mô nhóm dự án.

Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, nêu thực tế danh mục dự án đầu tư công "sửa 1 dấu phẩy, sửa 1 từ so với nghị quyết HĐND tỉnh thông qua cũng phải trình HĐND tỉnh". Ông cho rằng không nên thông qua danh mục đầu tư công cụ thể, thay vào đó nên phân bổ đầu tư công cho địa phương theo lĩnh vực và địa bàn. Ví dụ như Quốc hội thông qua kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, thì dành bao nhiêu cho lĩnh vực GTVT, giáo dục, y tế… căn cứ vào diện tích, dân số, quy hoạch tỉnh, vùng, định hướng phát triển, khả năng cân đối của ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, "đúng phương châm T.Ư kiến tạo và địa phương triển khai".

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, ủng hộ cho phép tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập, giúp địa phương chủ động hơn để giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc. Việc này đã thể hiện rõ tính hiệu quả khi TP thực hiện dự án Vành đai 3 cũng như nhiều dự án khác, tiến độ bồi thường, GPMB thực hiện rất nhanh.

Phải mở ra để kiến tạo cho phát triển

Nêu ý kiến tại tổ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Chính phủ trình sửa luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt không khai thác được nguồn lực. Câu hỏi là tại sao có tiền không làm được? Tại sao có tiền mà không giải ngân được, đến nay mới được 45% vốn đầu tư công, những công trình cần làm nhưng bỏ dở.

"Trước năm 2014 khi chưa có luật Đầu tư công, các dự án theo trình tự chạy ro ro, không cần thành lập đoàn thanh kiểm tra đốc thúc giải ngân đầu tư công. Nhưng đến 2014 khi luật Đầu tư công ra, gói tất cả nguồn vốn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, khiến tiến độ chậm dần, tiền chờ dự án, dự án chờ tiền", Phó thủ tướng nêu và cho rằng phải mở nút thắt này.

Cũng theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, thời điểm 2014 phải ban hành luật vì có một số địa phương đầu tư vượt quá khả năng cho phép, luật có giá trị thời điểm đó nhưng để kéo dài gây ách tắc. Về quan điểm sửa luật, Quốc hội chỉ quyết định cơ cấu đầu tư rồi giao lại cho Chính phủ, Chính phủ cũng quyết cơ cấu rồi giao lại cho tỉnh mà không giao từng dự án cụ thể.

Cũng báo cáo thêm tại tổ, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các vấn đề đề xuất sửa đổi tại dự án luật lần này là "cả quá trình" rà soát, tổng kết và chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng, đúng với tinh thần tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là đổi mới tư duy từ quản lý sang vừa quản lý vừa phải "mở" để kiến tạo, phát triển.

Theo Bộ trưởng KH-ĐT, việc giải ngân vốn đầu tư công lâu nay chậm có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là GPMB. Do đó, tại lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị tách dự án GPMB thành dự án độc lập để thực hiện nhanh hơn.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, ông Dũng cho hay, Hội nghị T.Ư 10 vừa qua đã thống nhất việc này, để địa phương tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm, tức là giao tối đa cho địa phương. Ông nói, tinh thần Quốc hội sẽ phân cấp cho UBTV Quốc hội, UBTV Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ giao các địa phương. Tại địa phương, HĐND sẽ giao cho UBND để linh hoạt trong điều hành.

Về đề xuất nâng quy mô dự án, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quy định quy mô dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng từ năm 1997 tới nay là 27 năm nhưng chưa thay đổi. "Hiện nay, chúng tôi rà soát lại thì tính ra dự án trên có quy mô vốn trên 30.000 tỉ đồng có khoảng hơn 30 dự án. Nếu là 30 dự án thì Quốc hội đã rất vất vả rồi", ông Dũng nói giải thích rằng đề nghị này xuất phát từ thực tiễn và cũng để đảm bảo luật có thể ổn định 5 - 10 năm.

Sẽ thu thuế hàng dưới 1 triệu đồng nhập qua các sàn Shopee, Temu

Sáng 29.10, giải trình trước Quốc hội về dự án luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 năm 2010 về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, hay Temu.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết việc miễn thuế VAT đối với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng là thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo. Nhưng nay, EU xóa bỏ việc không tính thuế với giá trị hàng dưới 22 USD, Singapore cũng bỏ chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ từ tháng 1.2023, Thái Lan thu thuế 7% với tất cả hàng giá trị nhỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.