Theo Giám đốc Thảo Cầm viên Sài Gòn Phạm Văn Tân: “Lượng voọc chà vá chân xám ở nước ta phân bố chủ yếu ở 5 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và Bình Định với khoảng 500 - 600 cá thể. Như vậy, cùng việc phát hiện quần thể voọc chà vá chân xám gần 600 cá thể tại những khu rừng nguyên sinh ở H.Kon Plong (Kon Tum), thì ước tổng đàn voọc chà vá chân xám hiện VN chỉ còn hơn 1.000 cá thể. Cũng như voọc chà vá chân xám, voọc chà vá chân nâu phân bố chủ yếu tại các nước Đông Dương, trong đó vùng Sơn Trà (Đà Nẵng) là ngôi nhà chung của 1.300 cá thể, mà nếu không kịp thời bảo tồn sẽ có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên trong vòng 30 năm tới”.
|
Ông Trần Viết Phương, Phó giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng nêu tính cấp thiết phải bảo tồn loài linh trưởng này. Ông cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã xử lý bảo đảm sự sống an toàn cho 22 cá thể voọc chà vá chân nâu, trong đó có 4 cá thể sơ sinh được chuyển giao cho Thảo Cầm viên Sài Gòn, 3 cá thể trưởng thành bị thương tật do bẫy bắt được chuyển giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương và 15 cá thể trưởng thành bị bắt, nuôi nhốt trái phép được tái thả vào khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Việc làm này rất được nhân dân ủng hộ, cùng nhận thức bảo vệ và không tiêu thụ các loại động vật hoang dã”.
|
Được biết, từ năm 2016 - 2019, Thảo Cầm viên Sài Gòn đã tiếp nhận, cứu hộ cho 6 cá thể voọc đến từ nhiều vùng miền, bị tổn thương do lạc mất mẹ, dính bẫy (ảnh) hoặc dị tật…, đa phần chỉ từ 1 - 5 tháng tuổi nên chế độ chăm sóc dinh dưỡng rất khó khăn. Tuy nhiên, không chỉ cứu hộ thành công, Saigon Zoo còn nhân giống được nhiều loài voọc quý hiếm của VN: Voọc bạc, voọc chân đen và voọc chân xám…, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các khu nuôi dưỡng, chăm sóc hiện đại nhằm làm phong phú các loài voọc tại Thảo Cầm viên Sài Gòn để tăng cường công tác bảo tồn và phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Bình luận (0)