Thảo luận tại QH về chi tiêu ngân sách: 'Chúng ta đã ăn vào thịt của mình'

26/10/2013 03:20 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã nói như vậy khi thảo luận về ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu ngày 25.10. Trước thực trạng này, nhiều đại biểu kiến nghị điều tiết thêm phần vốn từ các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, lấy lợi nhuận để bù đắp ngân sách thiếu hụt.

 Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong
Sau lễ khởi công được cho là chi vượt 80 lần chi phí cho phép, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong thi công ì ạch và bị rút giấy phép đầu tư, gây lãng phí rất lớn - Ảnh: Thiện Nhân

Trong thảo luận tại tổ, đa phần ý kiến các đại biểu (ĐB) đều tán đồng về việc cần thiết phải tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, nhưng đề nghị Chính phủ phải có phương án phân bổ vốn, giám sát chặt chẽ, dùng cho đầu tư một cách hiệu quả. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH) Nguyễn Đình Quyền nhận xét: “Năm 2013 chi cho hành chính vẫn rất lớn, năm nay cao hơn năm trước. Chi đầu tư vẫn rất dàn trải. Kỷ cương, kỷ luật trong tài chính ngân sách bị buông lỏng. Các chuyên gia kinh tế nói với tôi rằng chúng ta đã ăn vào thịt của mình rồi”.

Đi sâu vào nguyên nhân, nhiều ĐB bức xúc về tình trạng chi tiêu ngân sách còn lãng phí cho hội họp, khánh thành, khởi công; đầu tư dàn trải, không tập trung. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) bức xúc: “Tình hình lãng phí là rất lớn và chúng ta phải thấy xót xa từng đồng. Có cần thiết không khi đám tiệc, khởi công, khánh thành hoành tráng, mời rất đông khách. Mình chi một triệu, một tỉ đồng thấy nhẹ nhàng trong khi đó người dân gò lưng ra đóng từng đồng một”.

“Siết” lại ngành thuế TP.HCM sẽ có thêm 15.000 tỉ đồng

Kỷ cương, kỷ luật ngân sách không chỉ lỏng lẻo ở khâu chi tiêu mà ngay ở “đầu vào”, tức thu ngân sách, tình trạng thất thu thuế do cán bộ thuế bị tha hóa đạo đức, bắt tay, móc ngoặc với doanh nghiệp (DN) cũng là vấn đề khiến các ĐB rất bức xúc. ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) phát biểu: “Tôi có hỏi đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM thì được trả lời là nếu tăng cường tổ chức, cho đủ thẩm quyền thì mỗi năm cơ quan thuế có thể thu về cho ngân sách thêm 15.000 tỉ đồng. Qua câu chuyện này để thấy, một bộ phận nhân viên thuế thoái hóa, bắt tay với DN thông đồng thuế để cùng chia lợi cá nhân. Thực trạng đó khá phổ biến hiện nay, nếu chỉnh đốn thì gian lận thuế sẽ khắc phục được, thu ngân sách sẽ cao hơn”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dẫn thêm ví dụ: “Mấy triệu xe đạp điện không hiểu thu ngân sách được bao nhiêu, vì dân mua không lấy hóa đơn đã bớt 10% rồi, hàng triệu xe nhân lên sẽ là bao nhiêu tiền thuế? Rõ ràng đa số cán bộ ngành thuế năng lực đạo đức tốt nhưng cũng không ít các cán bộ thuế tư vấn hai chiều để thu lợi cá nhân, gây thất thu ngân sách”. Ông Thăng đề xuất: “Luật có hết rồi, giờ phải tập trung thực hiện nghiêm, tập trung vào lĩnh vực nào cần chú trọng. Theo tôi cần có lực lượng cảnh sát thuế độc lập với cơ quan thuế để thực hiện, kiểm soát việc thu thuế sắp tới”.

Thu tiền gửi ngân hàng của SCIC về ngân sách

Để tránh việc đất nước phải vay nợ đầu tư rồi “còng lưng” ra trả, TS Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM) đề xuất nên điều tiết vốn từ các tập đoàn, tổng công ty (TCT) mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, không cần kiểm soát về ngân sách. ĐB Lịch đề nghị, ngoài các lĩnh vực chính quan trọng, thiết yếu như dịch vụ công, quốc phòng, an ninh nhà nước cần nắm giữ, các lĩnh vực còn lại như cao su, dệt may, sữa… phải đẩy nhanh việc bán vốn, thu tiền về điều tiết cho ngân sách vốn đang bị thâm thủng vì hụt thu. “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán ảm đạm không thoái vốn được. Trước mắt tôi đề xuất lấy cổ tức tập đoàn, TCT đã cổ phần hóa đang dồn vào công ty mẹ, lấy toàn bộ về và phải làm nhanh. Ngoài ra, tiền tại TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đem gửi ngân hàng đề nghị cũng điều tiết để đầu tư”, TS Trần Du Lịch kiến nghị. Trước đó, theo báo cáo tài chính của SCIC, do tình hình khó khăn nên TCT này mang khoản tiền lên tới 19.600 tỉ đồng đi gửi ngân hàng để kiếm lãi.

Giải pháp này từng được đề xuất ở kỳ họp trước, nhưng theo ĐB Lịch, do chưa được thảo luận kỹ lưỡng, nghiêm túc nên lần này ông tiếp tục kiến nghị và mong muốn QH sẽ đồng tình để đưa vào nghị quyết, làm căn cứ pháp lý cho Chính phủ thực hiện. ĐB Lịch khẳng định nếu làm được như vậy trong 3 năm tới ngân sách sẽ không phải đi vay vì thu được một nguồn tiền không nhỏ, lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), khối DN nhà nước hiện nay vẫn đang sử dụng vốn nhà nước, sử dụng thuế đóng góp của dân nhưng trong rất nhiều năm cứ có lãi là được giữ lại chứ không phải trả về ngân sách nhà nước. “Tôi đề nghị các DN sử dụng vốn nhà nước thì phải trả lãi của vốn đó, như một cách ràng buộc trách nhiệm, vừa tạo sự bình đẳng trong môi trường hoạt động”, ĐB Hường đề xuất. ĐB Hường cũng băn khoăn việc Chính phủ vay tiền từ quỹ hoàn trả thuế GTGT, phần tiền lẽ ra phải trả lại DN để có vốn đầu tư, nhưng hiện nay còn khoảng vài chục ngàn tỉ đồng chưa hoàn trả cho DN. “Điều này khiến cho DN đã đang rất khó khăn về vốn mà lại bị giữ lại thuế GTGT nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Tôi đề nghị phải giải quyết dứt điểm, trả lại khoản nợ từ quỹ GTGT này”, ĐB Hường nói.

Lãng phí rất lớn

 
Tình hình kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân chật vật, các DN vật lộn để tồn tại và đóng góp từng đồng vào ngân sách nhà nước. Nhưng lãng phí có thể nói rằng rất lớn. Có cần thiết không khi đám tiệc, khởi công công trình hoành tráng rất đông khách, trong khi thời gian đó để suy nghĩ cái gì cho lợi ích quốc gia được chứ. Chúng ta đi dự còn tiền xe, tiền xăng, người phục vụ... Nếu coi chuyện đó là chuyện nhỏ thì đúng là đất nước nghèo rồi, không thoát khỏi. QH phải tính toán đưa ra quy định, yêu cầu Chính phủ thực hiện một cách nghiêm ngặt.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)

Rà soát lại công trình nguồn vốn trái phiếu chính phủ

 
Về trái phiếu chính phủ, đi giám sát hằng năm tôi thấy ý tưởng mục tiêu thì rất đẹp đẽ. Tuy nhiên, do nặng về cơ chế xin cho nên rất dàn trải và lãng phí, nhiều địa phương coi đó là khoản “trời cho” thì tội gì mà không xin. Tôi phê bình tại sao dự án lập 300 tỉ đồng, trong quá trình thực hiện thì điều chỉnh lên bao giờ cũng là 1.000 tỉ, tức là gấp 3, còn thường là gấp đôi. Nhưng có người nói với tôi không phải do năng lực lập dự án của tỉnh mà phần lớn là do DN “chạy” từ A đến gần Z, còn đoạn cuối thì UBND chỉ việc hợp thức hóa. Hiện nay, có những trường học xây thô 5 - 7 năm trời rồi bỏ đó cho cỏ hoang mọc đầy, rất xót xa. Đề nghị rà soát lại các công trình nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nếu công trình nào có thể đưa vào sử dụng thì đầu tư, chứ đầu tư 70 - 80% rồi bỏ nằm “chết đống” ở đó thì rất lãng phí. Còn những công trình mới khởi công thì dứt khoát cắt, dừng lại hoặc chuyển sang huy động nguồn vốn khác.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp)

Khoán chi hành chính vào lương

 
Cần cắt giảm chi cho hành chính một cách tối đa và xem lại chi cho cái này tăng hay giảm. Tôi nghĩ Chính phủ nên mạnh dạn khoán việc chi hành chính vào lương. Ta học tập các nước về giá một số mặt hàng nhưng chúng ta lại không nghĩ tới mặt bằng lương của nước mình. Lương của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các nước nên những gì cần bao cấp vẫn phải bao cấp cho dân. Phải nuôi dân và chăm cho dân chứ mọi thứ đều tăng trong khi lương không tăng thì dân thiệt thòi lắm.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)

Anh Vũ - Tuyết Mai - Nguyệt Minh

>> Lo ngại khả năng cân đối ngân sách 
>> Tiền đâu để tăng bội chi?
>> Đề xuất tăng trần bội chi ngân sách
>> Bội chi ngân sách 60.440 tỉ đồng
>> Thêm hay bớt 0,5% bội chi đều khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.