Tháo nút thắt trên thị trường bán lẻ

24/08/2020 04:31 GMT+7

Vẫn còn nhiều nút thắt khiến người sản xuất và cả người tiêu dùng bị hại, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hàng chục năm nay, thị trường nội địa Việt Nam đã phát triển đáng khích lệ, hệ thống phân phối gắn kết với nguồn cung sản xuất trong nước chặt chẽ hơn, hàng hóa đa dạng phong phú, được nâng cao một bước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng Việt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nút thắt khiến người sản xuất và cả người tiêu dùng bị hại, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Đầu tiên, đó là sản xuất nội địa chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ. Hiện nay sức sản xuất các mặt hàng Việt ở trong nước, nhất là hàng nông sản thực phẩm rất lớn, có đủ sức để phục vụ tiêu dùng nhưng hệ thống phân phối khá lớn với 9.000 chợ dân sinh và chợ đầu mối, 800 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 4.000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini vẫn chưa là trợ thủ đắc lực để đảm bảo đầu ra cho nguồn cung hàng hóa đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều năm trước.
Thứ hai là hạ tầng phân phối và các chi phí khác quá cao. Câu chuyện một ký hàng chuyển từ Ecuador về Việt Nam có chi phí logistics thấp hơn chi phí từ TP.HCM ra Hà Nội, một con lợn trong quá trình chăn nuôi giết mổ và tiêu thụ phải chịu 51 loại phí, một quả trứng chịu 13 loại phí là những dẫn chứng rõ nét cho vấn đề hạ tầng và chi phí sản xuất kinh doanh ở nước ta còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết.
Hạ tầng thấp kém còn làm cho hàng hóa tăng chi phí, tăng tỷ lệ hao hụt mất mát trong nuôi trồng và đánh bắt, khi làm ra không có kho dự trữ chiến lược. Nên sản phẩm vừa bị xuống cấp, vừa bị ép giá... hệ quả là giá 1 kg cá từ chỗ thu hoạch tới chỗ tiêu dùng có lúc tăng từ 2 - 3 lần, một số các mặt hàng khác cũng tương tự như vậy.
Thứ ba, giao dịch mua bán hàng hóa ở Việt Nam ít được công khai minh bạch, thiếu thông tin bởi chưa có một hệ thống các chợ đầu mối vùng cho đúng tiêu chuẩn của khu vực, chưa có những sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm nằm trong các chợ đầu mối, mua bán không có hóa đơn chứng từ, thanh toán bằng tiền mặt khá phổ biến. Chính sự giao dịch không minh bạch như vậy luôn luôn đem lại thua thiệt cho người sản xuất, trong bối cảnh một nền kinh tế chia sẻ chưa được hình thành một cách tự giác và phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Thứ tư là sự cạnh tranh không công bằng ở thị trường nội địa Việt Nam. Ở Việt Nam, việc kinh doanh bán lẻ trốn thuế, lách thuế, chuyển giá không phải là cá biệt, cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online. Những vụ truy thu hàng trăm tỉ tiền chuyển giá, trốn thuế sau kiểm tra của một số tổ chức cá nhân trong và ngoài nước trong nhiều năm qua đã cho ta thấy rõ điều đó. Chúng ta có nhiều lực lượng công an kinh tế, quản lý thị trường,… nhưng những tác động quản lý của các lực lượng này chưa đủ sức răn đe những vi phạm pháp luật và chưa đẩy tiến trình thực hiện một nền thương mại công bằng ở Việt Nam đi nhanh hơn.
Tại hội nghị triển khai Hiệp định thương mại EVFTA, Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Quyết tâm một, biện pháp phải mười”. Định hướng của người đứng đầu Chính phủ phải biến thành những hành động thực tế để giải quyết những bất cập ở thị trường nội địa. Sản xuất phải theo quy hoạch, sớm hình thành các chuỗi sản xuất và phân phối hoạt động hiệu quả, phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh và nền kinh tế chia sẻ ở thị trường Việt Nam. Hàng hóa cần đi thẳng từ khâu sản xuất tới khâu bán lẻ, giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết.
Việc tháo gỡ sớm những nút thắt đang tồn tại, sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.