Cây rau chua này rất dễ trồng, mọc thành bụi, nếu đặt giàn thì nó có thể leo cao đến vài mét. Cùng một nhánh nhưng lá có hai hình dạng khác nhau: hình chân chim hoặc gần giống hình tam giác.
Phần dùng nấu canh chua là lá. Nó hợp với các loại cá có mùi tanh, đặc biệt là cá ngạnh (người miền Nam gọi là cá chốt). Vào mùa mưa, cá ngạnh từ sông tức đẻ đi tìm nguồn nước ngọt, chúng kéo ùn ùn vào các ruộng ngập nước. Người dân tha hồ bắt của trời cho này. Cá ngạnh mùa sinh sản mang bụng trứng căng tròn, mình béo núc na núc ních. Bắt cá ngạnh mang về làm ruột, bẻ cái gai giống như cái ngạnh mọc trên mình, ướp gia vị hành, tiêu, tỏi, ớt, muối rồi cho vào chảo dầu phộng xào cho chín và săn thịt. Sau đó, cho nước vào nấu. Khi nước đã sôi, lấy nắm rau chua bỏ vào, nêm lại cho vừa miệng, đợi thêm vài phút múc ra tô rắc hành lá, ngò lên rồi ăn.
Cá ngạnh đúng mùa mưa thì thịt rất ngọt và béo ngậy. Khi nó “se duyên” với lá rau chua thì tô canh ngon lạ lùng. Vị chua của lá rau chua rất đặc biệt. Nó không chua sốc như khế, me hoặc chua đậm như lá giang, sấu... mà có vị chua thanh rất dịu dàng. Chỉ thưởng thức nước canh và lá rau chua đã thấy tê tái đầu lưỡi và mát ruột mát gan rồi. Gắp con cá ngạnh, chấm nước mắm nhĩ dầm ớt rồi “nhập khẩu” thì tâm hồn ăn uống thăng hoa ngay.
Xa xứ, ghiền món canh rau chua, tôi mang từ quê vào Sài Gòn một nhánh rau chua để trồng. Cứ thế, có loại cá nào hợp nấu chua tôi lại mang rổ ra hái một nắm lá để nấu. Vừa húp tô canh vừa thao thức nhớ mảnh vườn xưa.
Bình luận (0)