Thù lao không đủ để uống nước
Không như những con số cát sê cao ngất gây nhiều bức xúc, tiền lương thực thụ của nghệ sĩ theo quy định của nhà nước lại rất thấp. Họ chỉ hưởng bồi dưỡng 10.000 - 20.000 đồng/buổi tập, bồi dưỡng biểu diễn từ 20.000 - 50.000 đồng/buổi. Đó là mức thù lao “không đủ để uống nước” theo lời một đại biểu Quốc hội trong phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là ủy ban) hôm qua 26.4 tại Hà Nội.
|
Tương tự, mức lương của nghệ sĩ cũng như “đùa”. Hai nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Tuổi Trẻ là NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh đã vượt khung lương diễn viên hạng 3 thậm chí tới 17 năm mà vẫn không được nâng ngạch. Nghiệp diễn bừng sáng, nhưng họ không hề có triển vọng nâng ngạch lương. “Nhiều năm qua, không hiểu vì lý do gì mà việc tổ chức thi nâng ngạch cho ngành nghệ thuật biểu diễn không được thực hiện”, ủy ban nêu vấn đề.
Nhưng có lương, có chỗ làm vẫn còn là điều hạnh phúc. Bởi pháp luật về tuyển dụng nghệ sĩ biểu diễn hiện rất bất cập. Nó được áp dụng y hệt chế độ cán bộ, công chức. Vì thế, bắt đầu lao động nghệ thuật từ sớm (thậm chí 10 tuổi như ngành xiếc, múa), nhưng họ chưa đủ tuổi để ký hợp đồng lao động. Tới lúc hết tuổi hoạt động trên sân khấu (khoảng 25-30 tuổi), họ lại chưa thể về hưu. Từ đó có chuyện, người không được về hưu lại chiếm chỗ của người trẻ đáng lẽ ra phải có chỗ làm để cống hiến.
“Nghệ sĩ muốn về hưu lại không thể, vì quy định phải là người sức khỏe chỉ còn 61%. Anh em có thể không biểu diễn được nhưng sức khỏe thì vẫn tốt. Ở lại cũng dùng dằng, cơ hội cho anh em trẻ không có”, ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ VH-TT-DL nói.
|
Ông cũng cho biết thời gian tới Bộ sẽ soạn thảo để đưa ra hệ thống thang bảng lương, chế độ tính theo tuổi nghề chứ không phải tuổi đời như hiện nay. Theo đó, tuổi nghề cho nghệ sĩ dự kiến sẽ là 15-20 năm.
Bất cập chuyện danh hiệu
Nếu lương là nỗi lo lắng cho nghệ sĩ, thì việc phong tặng danh hiệu còn khiến đại biểu bức xúc. “Việc khen thưởng, chế độ cho nghệ sĩ trong thời gian qua rất bất cập. Đây không phải vấn đề mới nhưng sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu trong nghèo khó, nghệ sĩ Văn Hiệp không danh hiệu thì sẽ ra sao?”, đại biểu Phạm Tất Thắng nói.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trả lời không ngoài quy chế. Theo Bộ trưởng, việc xét tặng bên cạnh tiêu chuẩn chung phải có đặc cách, song không phải cái nào đặc cách cũng được. “Mong các vị hết sức thông cảm”, ông nói.
Một thiếu thốn khác cũng được nêu trong buổi giải trình là điều kiện làm việc của nghệ sĩ. Theo đó, nhà hát, rạp hát ở các thành phố lớn chủ yếu có từ thời thuộc Pháp. Nhiều nơi, thiết chế văn hóa giữ vị trí đắc địa, trong đó có nhà hát bị bán, bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hầu hết các khu đô thị mới không có công trình văn hóa nào. Tại TP.HCM, sau mấy mươi năm giải phóng, có hàng nghìn tòa cao ốc được xây dựng nhưng mới chỉ xây được một Nhà hát Hòa Bình.
Bản quyền tác giả - đừng để là luật treo Theo Bộ VH-TT-DL, 90% số buổi biểu diễn tại các tỉnh, thành phía bắc không xin phép quyền tác giả. Bản ghi âm, ghi hình bị phát tán tràn lan trên mạng internet, mạng điện thoại di động… không ai quản lý. Trong đó, nhiều bài hát không nằm trong danh mục được phép phổ biến, không ít bài có nội dung sai trái, hình ảnh phản cảm. “Trong lĩnh vực âm nhạc, việc cấp phép chưa quan tâm đúng mức tới luật bản quyền, sở hữu trí tuệ. Hồ sơ cấp phép không yêu cầu có chứng nhận về chi trả quyền tác giả”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho hay hiện chưa có khung quy định về trả tiền tác quyền. Chưa có khung giá, việc thỏa thuận mức phí rất khó. “Chúng tôi đã xin ý kiến các bộ và 3/4 các bộ cho rằng không cần chứng minh trả quyền tác giả trong hồ sơ cấp phép”. Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng giải trình này không thỏa đáng. Bộ không có quyền sở hữu về tác phẩm, vì thế việc Bộ cho ca sĩ hát bài của họ là không đúng. Không giám sát xem tác giả có nhận được tác quyền hay không, Bộ chưa đưa được luật vào đời sống. “Như thế Bộ đã dung túng cho các đơn vị tổ chức sự kiện. Đừng để luật ban hành là luật treo”, ông nói. |
Minh Ngọc - Trinh Nguyễn
>> NSND Lê Khanh - Chưa gian khó nào áp đặt được
>> NSND Lê Khanh: Sự ưu ái từ nhiều lòng tốt cũng là một điểm tựa của thành công
Bình luận (0)