Tháp ngược đào tạo bác sĩ

Duy Tính
Duy Tính
22/02/2022 06:41 GMT+7

Ngày 21.2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã tổ chức họp mặt 119 giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động tạo nguồn nhân lực y tế cho TP.HCM.

Nghịch lý đào tạo bác sĩ chuyên khoa nhiều hơn đa khoa

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ bác sĩ (BS) trên 10.000 dân tại TP.HCM cao nhất cả nước (20 BS/10.000 dân), nhưng nếu so sánh với các nước có hệ thống y tế phát triển thì vẫn cần tiếp tục bổ sung thêm số lượng BS để chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.

Hầu hết bác sĩ mới ra trường sau khi thực hành 18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề thì đều đi học chuyên khoa

DUY TÍNH

Ông Thượng cho rằng TP.HCM tồn tại một nghịch lý là mô hình tháp ngược về BS chuyên khoa và BS thực hành tổng quát. Theo đó, BS khi mới tốt nghiệp trong quá trình làm việc đều muốn trở thành BS chuyên khoa, thực tế cho thấy số lượng BS chuyên khoa luôn cao hơn nhiều lần so với số BS thực hành tổng quát và BS gia đình. Với mô hình tháp ngược về loại hình BS như hiện nay thì hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn và khó có thể phát triển; tình trạng quá tải bệnh viện với bao hệ quả của nó sẽ còn tiếp diễn.

Để giải quyết tình huống cấp bách như hiện nay, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, vừa qua TP.HCM đã đưa 297 BS trẻ mới tốt nghiệp của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe cho người dân, chăm sóc F0 và kèm theo đó là những cơ chế chính sách.

Đồng quan điểm, GS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM, cho rằng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì 70 - 80% nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân là chăm sóc tổng quát, 20 - 30% là nhu cầu chăm sóc chuyên khoa. Chính vì vậy, hầu hết các trường trên thế giới đều đào tạo BS đa khoa, sau khi ra trường và hành nghề thì có cơ chế chính sách cho BS đa khoa phát triển lên làm việc chăm sóc tổng quát.

Còn ở nước ta là 9 BS/10.000 dân, thử phân tích xem có ai làm tổng quát không?

“Tôi đi dạy và khảo sát thử thì thấy chưa em nào làm bác sĩ tổng quát, ngay cả các thầy cô đều làm chuyên khoa. Nghịch lý là nhu cầu chăm sóc tổng quát, đào tạo BS tổng quát, nhưng BS hành nghề thì làm chuyên khoa, có chăng chỉ BS mới ra trường làm y tế cơ sở mới làm đa khoa, rồi 2 năm sau đó cũng làm chuyên khoa. Chính vì không có nguồn lực BS đa khoa này để chăm sóc bệnh nhân tuyến dưới nên dẫn đến vỡ trận, đó là “quá tải” bệnh viện tuyến trên như hiện nay. “Quốc gia nào làm y tế cơ sở tốt thì chi phí cho y tế cực thấp, nhưng hiệu quả về chăm sóc sức khỏe rất cao, sẽ giải quyết được vấn đề y tế cộng đồng và TP.HCM sẽ tiến bộ nhanh. Nếu không làm những vấn đề này thì chúng ta loanh quanh mãi”, ông Ninh phân tích.

Gắn đào tạo với thực tiễn

Theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y dược TP.HCM, để có hệ thống y tế cơ sở mạnh thì hệ thống y tế phải đặt hàng cho hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng, do đó 2 bên cần có sự trao đổi để đào tạo. Mặt khác, trong chương trình đào tạo, các BS ra trường vào nội trú sẽ được đào tạo chuyên khoa sâu, phần còn lại số đông sẽ đào tạo theo nguyên lý y học gia đình, số này phục vụ cho tuyến y tế cơ sở rồi sau đó đi học chuyên khoa. Bên cạnh đó, chính sách còn phải có tính bền vững để BS trụ lại ở tuyến y tế cơ sở.

Về y tế cơ sở, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, UBND TP.HCM sẽ cùng ngành y tế và các ngành có liên quan sẽ chọn lựa các vấn đề phân tích, đưa ra giải pháp và tổ chức thực hiện trong thời gian tới, phù hợp với điều kiện của TP để có những sản phẩm nhằm giải quyết các nghịch lý này phù hợp chung với ngành và đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.