Nơi... loan tin giả?
Không thể phủ nhận những trang confession sinh viên là nơi để sinh viên có thể được bày tỏ những tâm tư, nỗi niềm về mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống, giảng đường, trường lớp... Tuy nhiên bên cạnh đó phải thừa nhận một thực trạng hiện nay là có không ít trang confessions sinh viên đăng tải những nội dung không đúng sự thật. Để rồi từ đây, không ít trang confession sinh viên bị cho là nơi loan tin giả.
Nhận định đó không phải không có lý. Cụ thể, vào tháng 1, trang U.Confessions đã đăng tải bài viết có thông tin gây chấn động dư luận là "nữ sinh Trường HUFLIT bị hiếp dâm". Thông tin này nhanh chóng được mạng xã hội lan truyền. Sau đó, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM) khẳng định thông tin đấy là tin giả, sai sự thật.
Tương tự, vào cuối tháng 3, trang K.Confessions cũng đăng tải một bài viết có nội dung gây sốc và hoang mang với sinh viên khi cho rằng một nữ sinh viên đã bị tấn công tình dục tại Làng đại học (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Nhưng sau khi điều tra, thượng tá Đàm Bảo Quân, Trưởng công an TP.Dĩ An (Bình Dương) đã thông tin cho PV Thanh Niên đó là tin giả.
Chính những câu chuyện này khiến nhiều sinh viên không quá tin tưởng vào nội dung trên những trang confessions. "Rất nhiều thông tin trên trang confessions có cảm giác như hư cấu, "hư hư thực thực" thật giả lẫn lộn. Trước đây mình hay theo dõi trang confessions, sau đó thấy nhiều bài "ảo" quá, không theo dõi nữa", Trần Huyền Mi, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết.
Đặng Minh Hoàng, sinh viên Trường ĐH Văn Lang cũng phản ánh rằng nhiều trang confessions vì muốn "câu view" để rồi thường "vẽ chuyện". "Nên mình dù hay đọc confessions nhưng chỉ tin 30%-40% các nội dung đăng tải", Hoàng nói.
Thấp thỏm nỗi lo
Trần Thị Bảo Yến, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết khá "ngại" trang confessions bởi đôi khi đọc phải những bài viết chỉ trích cá nhân.
"Dù chỉ là những bài viết không rõ danh tính, nhưng lại mô tả chi tiết người đó học lớp nào, dáng vẻ ra sao, hay đi xe máy gì, hay diện trang mục nào... thì cũng có thể khiến người khác đoán định được nhân vật được nhắc đến là ai. Mình cũng e dè việc lỡ một ngày bị nhắc đến trong một bài viết không đúng sự thật", Yến nói.
Hiệu trưởng một trường ĐH ở Q.10, TP.HCM chia sẻ: "Lãnh đạo nhà trường khá áp lực với trang confessions của sinh viên. Có những thông tin sinh viên chia sẻ lên đấy, chúng tôi nhanh chóng xác thực. Nếu là phản ánh đúng sẽ lập tức điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Tuy nhiên, cũng có những bài viết mang nặng tính công kích cá nhân, thậm chí xúc phạm danh dự của người khác chẳng hạn như giảng viên, lãnh đạo nhà trường... nhưng hoàn toàn vô căn cứ. Khi tìm hiểu cặn kẽ thì sự thật không đúng như thông tin mà trang confessions đăng tải. "Chờ được vạ, má đã sưng", không thể minh oan, lấy lại danh dự cho người bị chỉ trích bởi những bài viết vô thưởng vô phạt trên trang confessions".
Vị hiệu trưởng này chia sẻ: "Bản thân tôi vẫn thấp thỏm nỗi lo khi xem nội dung trang confessions. Không phải lo vì sợ mình bị "điểm mặt, chỉ tên". Mà tôi lo lắng những bài viết "đặt điều", đưa nội dung không đúng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân cũng như uy tín của trường".
Trưởng phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu của một trường ĐH ở Q.10, TP.HCM cũng nói: "Có nhiều vụ việc làm "bùng nổ" mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người bắt nguồn từ nội dung đã được "thêu dệt" trên trang confessions sinh viên. Không có gì lo lắng đến những thông tin phản ánh về những mặt hạn chế mà trường làm chưa tốt. Vì chưa tốt, nhờ những bài viết trên trang confessions sẽ thay đổi cho tốt hơn. Chỉ lo lắng những thông tin sai sự thật, vô tình dẫn đến những khủng hoảng truyền thông".
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng những người dùng mạng xã hội nói chung, và giới làm admin (quản trị) các trang confessions nói riêng hãy văn minh và có ý thức khi tham gia mạng xã hội.
"Văn minh và có ý thức ở chỗ hãy chia sẻ, đăng tải, lan tỏa những thông tin đúng sự thật. Tuyệt đối nói không với việc lan truyền những thông tin giả làm bất an, hoang mang dư luận. Những admin tiếp nhận những bài viết từ các cá nhân, cần có sự nhạy cảm về tin tức để nhìn nhận rằng nội dung có thực tế hay là chuyện bịa. Cần nói không với việc "câu view", "câu like". Sinh viên tham gia vào những trang confessions cũng hãy chia sẻ những câu chuyện có thật. Chứ không thể vì yếu tố được ẩn danh trên confessions mà muốn nói gì nói", chị Tuyết chia sẻ.
Bình luận (0)