Thanh Niên xin giới thiệu về chiến dịch ít được biết đến này.
Chiến sĩ tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đầu tiên tôi gặp là trung tướng Nguyễn Ân (1927 - 2019), nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 1 (nay là Trường ĐH Trần Quốc Tuấn).
Một chiều hè năm 2014, tại nhà riêng trên phố Hồ Đắc Di (P.Nam Đồng, Q.Đống Đa, Hà Nội), ông Ân nhớ lại: Năm 1990, khi ông đang là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 1, phía Trung Quốc (TQ) có cử đoàn cán bộ quân sự cấp cao sang thăm hữu nghị nước ta, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trì Hạo Điền dẫn đầu. Đoàn đến VN được Bộ Quốc phòng nước ta giới thiệu xuống thăm Trường Sĩ quan lục quân 1. Đi cùng đoàn có trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta.
Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Trung tại Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc |
K.M.S |
Đưa đoàn đến nhà truyền thống tham quan xong, sau giờ nghỉ giải lao uống nước và tiếp tục vào làm việc, Hiệu trưởng Nguyễn Ân chia sẻ với Bộ trưởng Trì Hạo Điền và Thứ trưởng Nguyễn Thới Bưng sự kiện rất vinh dự và tự hào trong cuộc đời binh nghiệp của ông: “Năm 1949, được sự thống nhất của hai Đảng và nhân dân hai nước, bộ đội VN đã vượt qua biên giới, kề vai sát cánh chiến đấu cùng giải phóng quân Trung Quốc; trong số đó có tôi, lúc đó mới là cán bộ đại đội”, ông Ân kể.
Nghe xong câu chuyện, Bộ trưởng Trì Hạo Điền đứng dậy bắt tay và ôm hôn Hiệu trưởng Nguyễn Ân thân thiết. Ông nói: “Đến thăm trường lục quân, tôi nhận thức được rất nhiều điều bổ ích và cảm động. Các đồng chí thật xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”. Các đồng chí đã đề cao được tinh thần quốc tế vô sản. Không chỉ có TQ giúp cách mạng VN mà VN đã góp sức cho cách mạng TQ thắng lợi. Tôi đã nghiên cứu kỹ các tư liệu, hiện vật các đồng chí đang lưu giữ tại nhà truyền thống. Các đồng chí thật trọn tình, vẹn nghĩa anh em”.
Tham gia chiến dịch, nhiều chiến sĩ quân tình nguyện VN đã ngã xuống. Trong hồi ký của đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 (Cao Bằng), có ghi: “Trong cuộc chiến đấu này, cánh quân của chúng tôi đã có 18 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và mấy chục anh em bị thương vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những người hy sinh được bạn và ta tổ chức an táng theo nghi lễ quân đội Trung Quốc, linh cữu được phủ lá cờ đỏ búa liềm, có tiêu binh. Nơi an nghỉ của các chiến sĩ quân tình nguyện VN nằm bên bờ sông Tả Giang”.
Kỷ niệm chương Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn |
T.L |
Còn đại tá Hoàng Long Xuyên, năm nay 106 tuổi, luôn nhắc đến người đồng chí, đồng hương, đồng đội là Ngọc Trình, một trong 34 chiến sĩ Đội VN Tuyên truyền Giải phóng quân hy sinh trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Phần mộ của liệt sĩ Ngọc Trình hiện nay vẫn nằm bên nước bạn.
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn góp phần vào việc thành lập nước CHND Trung Hoa (1.10.1949). Liệt sĩ quân tình nguyện VN được TQ quy tập về 2 nghĩa trang Thủy Khẩu (Long Châu) và Đông Hưng (Quảng Tây) hương khói phụng thờ hơn 70 năm qua. Những nhân chứng tham gia chiến dịch đã dần vắng bóng. Sau tròn 70 năm, năm 2019, tôi may mắn có dịp trò chuyện cùng lương y Thân Văn Nhã (hiện sinh sống tại TP.Bắc Giang), một trong số nhân chứng hết sức hiếm hoi của chiến dịch ít được biết đến này còn sống, đã ở tuổi 90. Cựu chiến binh Thân Văn Nhã rưng rưng nước mắt khi nhắc đến những ngày tháng vượt núi cao, đèo hiểm sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp giải phóng TQ.
Trong nỗi xúc động nghẹn ngào khi nhớ về những đồng đội còn nằm lại trên đất Quảng Tây (TQ) đã 3/4 thế kỷ, người chiến sĩ họ Thân - có lẽ là trẻ tuổi nhất trong đội quân tình nguyện ngày ấy - bày tỏ nguyện vọng: “Tôi chỉ mong rằng nhà nước chỉ đạo 2 tỉnh giáp biên giới ở nơi có nghĩa trang liệt sĩ Cao Bằng giáp với Thủy Khẩu - Long Châu (Trung Quốc) và Quảng Ninh giáp với nghĩa trang Đông Hưng - Quảng Tây, hằng năm vào ngày 27.7, ngày Thương binh liệt sĩ, mà cũng đúng vào những ngày này chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn mở đầu, tổ chức đoàn sang thắp hương tri ân các liệt sĩ, để gọi là uống nước nhớ công lao những người hy sinh!
Nguyện vọng của tôi là như vậy”. (còn tiếp)
Bình luận (0)