Thất bại ở môn đạo đức

09/11/2015 08:39 GMT+7

Nhìn vào cách dạy và học các môn đạo đức - giáo dục công dân trong các nhà trường hiện nay có thể thấy tại sao giáo dục đạo đức chưa thành công.

Nhìn vào cách dạy và học các môn đạo đức - giáo dục công dân trong các nhà trường hiện nay có thể thấy tại sao giáo dục đạo đức chưa thành công.

Môn giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay còn khô cứng, giáo điều - Ảnh: Đào Ngọc ThạchMôn giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay còn khô cứng, giáo điều - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Có dạy mà tưởng như không
Nhiều học sinh (HS) cho biết ở trường môn giáo dục công dân (GDCD) gần như được “thả”. “Lớp em là lớp khối D. Thầy cô rất quan tâm tới việc chúng em có đỗ ĐH hay không nên tạo điều kiện tối đa về thời gian để chúng em tập trung học các môn toán, văn, Anh. Môn GDCD cũng như các môn khác học cho có, kiểm tra 1 tiết đề rất dễ để lấy điểm”, N.P.Đ - HS Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội nói.

Niềm tin của  các em hình thành trong cuộc sống thật chứ không chỉ là từ rao giảng đạo đức trong lớp học

Ông Nguyễn Vinh Hiển,
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Còn L.T.K, Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội nhận xét: “Nhiều khi em quên mất là có một môn học tên là GDCD!”. Vì là “môn phụ của môn phụ” nên nhiều bạn trẻ không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về những kỷ niệm thời phổ thông liên quan tới môn này. N.H, một cựu HS Trường THPT Bến Tre, tỉnh Vĩnh Phúc nhớ lại: “Hồi lớp 11, trường phân công một giáo viên văn dạy môn GDCD lớp tôi. Nhưng cô giáo đó quên tiết suốt 6 tuần liền, đến tận tuần thứ 7 giáo viên chủ nhiệm mới phát hiện ra. Lên lớp 12, chúng tôi tiếp tục được học môn này với một giáo viên kiêm nhiệm. Cả năm lớp tôi chỉ hát, đọc thơ trong giờ GDCD. Đến khi kiểm tra thì thầy cho chép thoải mái”.
Xơ cứng, giáo điều
Nhiều giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục cho rằng chương trình - nội dung môn GDCD quá chán. Đã vậy hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu. Kiểm tra đánh giá phổ biến vẫn là ghi nhớ, tái hiện kiến thức, chưa chú trọng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện, năng lực và phẩm chất HS.
PGS-TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học giáo dục VN, nhận xét: “Theo các giáo viên thì nhiều nội dung chưa phù hợp với độ tuổi của HS. Ví dụ, đối với quyền tự do tín ngưỡng thì HS phải nghe giảng về tình hình tôn giáo ở VN, về chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Một chuyên gia giáo dục tiểu học nêu thêm ví dụ. Bài Giúp đỡ người khuyết tật đưa ra nhiều dẫn chứng mà HS thành phố ít gặp trong thực tế, vì thế các em được học nhưng vẫn vô cảm. “Lẽ ra nên gợi mở để các em thấu hiểu và biết cảm thông với người khác qua những tình huống thiết thực, chẳng hạn có thể hỏi em nghĩ thế nào khi một bạn đứt tay nhưng vẫn phải đi giặt giẻ lau bảng. Hoặc có một bài dạy HS chào hỏi nhưng lại không hề dạy các em thế nào là chào đúng cách - đúng lúc...”, chuyên gia này nhận định.
Từ thực tế này, bà Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định, Hà Nội đề xuất cần phải biên soạn lại nội dung chương trình môn GDCD. “Đừng đưa vào các nội dung lý luận khô cứng nữa mà nên dạy HS những bài học, tình huống thực tế. Được như thế môn học này sẽ hỗ trợ được giáo viên chủ nhiệm rất nhiều trong giáo dục đạo đức HS. Cứ như hiện nay, đến tiết học GDCD, HS không chịu học và giáo viên thì phải lờ đi”.
Sửa sai bằng cách nào ?
Nhiều giáo viên cho rằng nhà trường giáo dục đạo đức cho HS không chỉ thông qua các môn học liên quan và là một quá trình bao gồm các chuỗi hoạt động giáo dục, thậm chí kể cả những hoạt động ngoài nhà trường. Nếu giáo viên ngay từ đầu chưa được chuẩn bị đầy đủ năng lực sư phạm cần thiết thì trong quá trình dạy học, họ có thể tự trau dồi - tu dưỡng nhưng phải trên một tinh thần trách nhiệm và yêu thương học trò. “Trường tôi có đặc thù là đầu vào thấp nên việc giáo dục đạo đức cho HS gặp nhiều khó khăn. Nhưng phương châm của tôi là phải kiên trì. Với những học trò “cá biệt”, người thầy cần phải luôn luôn đặt câu hỏi, nếu em HS là con của mình thì mình sẽ ứng xử thế nào? Nhờ thế tôi đã “kéo” được rất nhiều HS thoát khỏi cạm bẫy cuộc đời. Mặt khác, về công tác chủ nhiệm, tôi cũng cố gắng giáo dục HS thông qua những tiết sinh hoạt hào hứng. Thường thì tôi tổ chức thành các chuyên đề để các em có hoạt động, có trải nghiệm”, bà Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định, Hà Nội, chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Bộ và các nhà quản lý giáo dục cũng đã nhận thức được tình trạng yếu kém về giáo dục đạo đức trong trường học và sẽ cố gắng “sửa sai” ở lần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà toàn ngành này đang triển khai. “Trong lĩnh vực giáo dục đạo đức, giờ đây mình vừa phải coi trọng giáo dục trong lớp, đồng thời coi trọng hơn hoạt động xã hội, những hoạt động trải nghiệm của HS. Cho HS hoạt động thật - tức là cho các em trải nghiệm thật cuộc sống xã hội, điều này có ý nghĩa rèn luyện kỹ năng sống và hình thành nền tảng đạo đức cho các em. Niềm tin của các em hình thành trong cuộc sống thật chứ không chỉ là từ rao giảng đạo đức trong lớp học”, ông Hiển nói.
Kinh nghiệm từ Israel, Canada
Cuối tuần rồi, chúng tôi có dịp đến Israel, ghé thăm một trường tiểu học mang tên Uziel Dugma ở Jerusalem. Chưa kịp ngồi xuống trao đổi gì, thầy hiệu trưởng đã khoát tay ra hiệu cho chúng tôi đi theo để giới thiệu một hoạt động đặc biệt của trường vào giờ ra chơi.
Chúng tôi cực kỳ tò mò khi thấy thầy đẩy theo một cái tủ di động sơn màu tím. Ra tới khu sảnh chính rộng nhất, thầy dừng lại. Ngay lập tức, nhiều HS lần lượt kéo đến và xếp thành hàng dài trước mặt thầy. Trên tay em nào cũng cầm một phiếu nhỏ màu xanh và khuôn mặt thì đầy háo hức.
Thì ra đây là một sáng kiến của trường để giáo dục tính cách cho các em. Hằng ngày, những em nào thể hiện được các tính cách tốt sẽ được giáo viên đánh giá và ghi nhận xét vào một phiếu nhỏ màu xanh. Vào giờ chơi, các em được phiếu xanh sẽ mang đến gặp thầy hiệu trưởng để đổi lấy quà là các phiếu hình thú vật, các nhân vật hoạt hình hoặc phong cảnh... Ý nghĩa quan trọng nhất tác động tới HS là các em có thể được gặp hiệu trưởng hằng ngày và được đích thân thầy khen ngợi một cách trang trọng.
Trong khi đó tại Canada, kể từ năm học 2007 - 2008, Bộ Giáo dục tỉnh bang Ontario (Canada không có bộ GD liên bang mà mỗi tỉnh bang có bộ GD riêng) đã chính thức triển khai “Chương trình hành động phát triển tính cách” (The Character Development Initiative) cho tất cả các trường và các cấp học từ mầm non đến lớp 12 tại Ontario.
Cái hay của “Chương trình hành động phát triển tính cách” là nó không được coi là một môn học như GDCD hoặc đạo đức. Không có sách giáo khoa và giáo trình cho GV “dạy”. Bộ GD chỉ nêu ra các nguyên tắc và mục tiêu; quy định vai trò và trách nhiệm từ hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và HS ở trường; đồng thời có thể hỗ trợ các tài nguyên phục vụ cho chương trình. Mỗi trường phải tự thực hiện chương trình theo cách riêng của mình hoàn toàn chủ động.
Chẳng hạn có trường xác định 10 chủ đề tính cách được xây dựng gắn liền theo từng tháng trong suốt năm học như: sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm, lòng chính trực, sự quan tâm, tinh thần lạc quan, sự kiên trì, lòng dũng cảm, tinh thần hợp tác, thái độ hòa bình, lòng biết ơn. GV tùy theo từng chủ đề giáo dục tính cách trong tháng, sẽ phải tự xây dựng cách thức truyền đạt cho HS của mình hiểu về tính cách đó và giúp HS phát triển tính cách này bằng những hoạt động cụ thể.
Ví dụ, với tháng chủ đề lòng dũng cảm, tất cả các giáo viên (xin nhấn mạnh là tất cả giáo viên), dù là chủ nhiệm hay bộ môn, đều phải có trách nhiệm làm cho HS hiểu được dũng cảm là gì và như thế nào được gọi là hành động dũng cảm.
Ví dụ, đối với HS lứa tuổi mầm non hay tiểu học, khái niệm về “lòng dũng cảm” có khi chỉ đơn giản là giúp các em làm quen với bóng tối, không sợ ma. Càng lên các lớp trên, khái niệm “lòng dũng cảm” càng được mở rộng hơn, đến cấp trung học thì các HS đã hiểu về lòng dũng cảm với đầy đủ phạm trù trừu tượng của nó.
Nền giáo dục các nước đã quan niệm rằng việc giáo dục cho HS hình thành và phát triển các tính cách cần thiết cũng như những kỹ năng để thành công là một việc làm thường xuyên, phải thể hiện bằng những hoạt động cụ thể hằng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc, thì chúng ta lại xây dựng nó thành các môn học và giới hạn chỉ trong các tiết học (môn đạo đức cho cấp tiểu học và GDCD cho cấp THCS, THPT), để rồi viết sách, in ra như một loại sách giáo khoa cho HS đọc ra rả.
Nguyễn Thị Kiều Oanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.