Thật - giả hồ sơ công chứng

16/04/2010 01:44 GMT+7

* Có “bàn tay” của tín dụng đen Thông tin về cái chết của Trưởng văn phòng Công chứng (VPCC) Việt Tín (Hà Nội) liên quan đến việc chứng nhận hàng trăm hồ sơ giả khiến nhiều người dân lo lắng, vì không biết hồ sơ công chứng của mình thật hay giả.

Trong khi đó, nhiều công chứng viên (CCV) khẳng định việc phát hiện hồ sơ giả giống như... “mò kim đáy bể”!

Chỉ dựa vào cảm quan

Tình trạng hồ sơ giả đem công chứng không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ rất lâu và đáng báo động là các giấy tờ bị làm giả ngày càng tinh vi, bằng cảm quan nhiều khi không thể phát hiện được.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng công chứng (PCC) số 1 (TP.HCM), cho biết: “Ngày 14.4, PCC số 1 phát hiện bộ hồ sơ ủy quyền thế chấp, định đoạt tài sản giữa ông Trần Văn S. và bà Lương Thị K. cùng với bà Nguyễn Thị Bích Đ. có CMND giả. Vụ việc chỉ bị PCC phát hiện lập biên bản khi kiểm tra bộ hồ sơ gốc hợp đồng thế chấp tài sản từ năm 1994 của bà K. Tại đây, trong đó dấu vân tay của hai CMND là khác nhau”. Nhìn qua 2 CMND trong vụ việc mà PCC số 1 đang thu giữ thấy hình thức hoàn toàn giống nhau, trừ dấu vân tay. “Nếu không kiểm tra, đối chiếu thì không thể phát hiện CMND bị làm giả”, ông Thắng nói và cho biết vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Liên quan đến việc phát hiện, ngăn chặn hồ sơ giả hiện nay ở TP.HCM có mạng ngăn chặn do Sở Tư pháp quản lý. Các tổ chức hành nghề công chứng có thể đăng nhập vào mạng này để tìm hiểu, tham khảo thông tin về những tài sản bị "chặn" giao dịch. Nhưng nếu chỉ dựa vào mạng này vẫn chưa đủ an toàn. Theo ông Phan Văn Cheo, để hoàn thiện, đảm bảo tính an toàn cho các văn bản công chứng, cần thiết phải sớm có trung tâm thông tin công chứng, nối mạng với trung tâm thông tin nhà đất và nối mạng giữa các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn với nhau... Vì thực tế hiện một hồ sơ công chứng ở PCC 1 thì PCC 2 không thể biết được thông tin. Từ khi bỏ địa hạt công chứng, việc một căn nhà công chứng bán nhiều lần ở nhiều tổ chức công chứng khác nhau bằng hồ sơ giả không phát hiện được đã xảy ra và thiệt hại vẫn thuộc về người dân.

Mới đây, PCC số 2 (TP.HCM) cũng phát hiện một trường hợp công chứng ủy quyền với bộ hồ sơ giả y như thật và đó không phải là những trường hợp duy nhất. “Hồ sơ giả bây giờ rất tinh vi. Hiện có nhiều cá nhân, tổ chức làm các giấy tờ giả chuyên nghiệp, thậm chí họ có cả phôi thật trong tay nên giấy giả y như thật”, ông Thắng bức xúc.

Tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng hầu như tổ chức hành nghề công chứng nào cũng gặp chuyện hồ sơ công chứng giả và việc phát hiện giả để ngăn chặn là rất ít. Ông Phan Văn Cheo (VPCC Sài Gòn) cung cấp thông tin hồ sơ giả hiện nay tập trung chủ yếu là CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí cả tờ khai lệ phí trước bạ... “Việc phát hiện hồ sơ giả hiện nay chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm và cảm quan của CCV là chính”, ông Cheo chia sẻ.

Mới đây, Công an TP.HCM có văn bản gửi công an 24 quận, huyện yêu cầu phối hợp với các tổ chức hành nghề công chứng xử lý các vụ sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc mạo danh chủ sở hữu trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản để tiến hành công chứng. Nhưng xem ra đây cũng chỉ là việc xử lý bề nổi chứ không giúp CCV ngăn chặn, phát hiện hồ sơ giả đem đến công chứng.

Người dân lãnh đủ

Luật Công chứng quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng là rất cao. Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố vô hiệu...

Khi để lọt hồ sơ giả, trách nhiệm của CCV như thế nào? Một CCV khẳng định: “Hiện nay, CCV đâu có chịu trách nhiệm về giấy tờ công chứng giả, trừ phi biết là giả mà vẫn chứng. Không có quy định nào bắt buộc công chứng phải biết giấy tờ đó là giả”.

Về quy định bồi thường, Luật Công chứng năm 2006 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại do lỗi mà CCV thuộc tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng. Riêng các VPCC còn phải buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện việc bồi thường trong trường hợp lỗi do CCV gây ra. Trong trường hợp người dân “dính” hồ sơ giả đem công chứng, dẫn đến thiệt hại, muốn đòi bồi thường phải kiện ra tòa, phải thu thập các chứng cứ liên quan để chứng minh thiệt hại đã xảy ra... Sau đó, nếu tòa xác định CCV có lỗi (làm sai quy trình hoặc biết giả mà vẫn chứng...) thì CCV mới phải bồi thường. Quy định như vậy, với những hồ sơ giả quá tinh vi, CCV không thể phát hiện bằng cảm quan, thì xem như người dân “ôm đủ’.

* Có “bàn tay” của tín dụng đen

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.