Thất nghiệp là... đi làm mạng xã hội?: Coi chừng... công dã tràng!

22/07/2023 06:00 GMT+7

Có những người trẻ thất nghiệp và chọn "dấn thân" vào con đường sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng thành công không đến, những YouTuber, TikToker… gặm nhấm thất bại, trở lại tình cảnh thất nghiệp.

MỘT VÒNG LUẨN QUẨN

Trò chuyện với người viết, không ít người trẻ từng là những TikToker, Facebooker, YouTuber đã thú thật một trong những sai lầm lớn nhất của họ là theo đuổi làm mạng xã hội.

"Cùng tốt nghiệp ra trường, sau đó cùng xin việc ở một công ty kiểm toán lớn. Nhưng hai người bạn cùng lớp đang có những chức vụ khá cao tại công ty ấy thì mình còn phải tìm việc ở tuổi 35", Lê Thanh Bảo, quê ở Đồng Nai, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bày tỏ.

Bảo kể vì chán nản công việc ở công ty kiểm toán nên nộp đơn nghỉ. Dù bạn bè động viên hãy cố gắng, nhẫn nại để theo đuổi công việc đã học trên giảng đường suốt 4 năm nhưng Bảo bỏ ngoài tai. Bảo quyết định làm YouTuber. Chàng trai này tạo gần… 20 kênh YouTube với nhiều định hướng để phát triển, tự "vẽ" về một tương lai sáng sủa.

Thất nghiệp là... đi làm mạng xã hội?: Coi chừng... công dã tràng! - Ảnh 1.

Ảo tưởng thành công trong vai trò YouTuber, TikToker… có thể khiến người trẻ rơi vào vòng xoáy thất nghiệp

Tấn Đạt

Nhưng hơn 8 năm, những kênh YouTube mà Bảo sở hữu chỉ lèo tèo người theo dõi, những video mà chàng cựu sinh viên ngành kế toán - kiểm toán này dày công thực hiện chỉ vài trăm lượt xem, ngày kênh YouTube có thể kiếm được tiền những tưởng gần mà cứ xa đã khiến Bảo nản và quyết định dừng lại.

Bảo nói: "Thất nghiệp, đi làm mạng xã hội, và giờ lại thất nghiệp. Mình đang nộp đơn xin việc để được làm đúng chuyên ngành. Nhưng ở tuổi 35, mình khó xin việc. Rải hồ sơ ở nhiều nơi nhưng chưa thấy các công ty hồi âm mời phỏng vấn".

Bảo cũng hối tiếc: "Giá như ngày đó chuyên tâm tập trung làm cái nghề mà mình có kiến thức, được học từ trường lớp đàng hoàng thì có thể thành công sẽ đến muộn nhưng không phải thất bại như bây giờ".

Vũ Chiến (32 tuổi), quê ở Quảng Ngãi, tốt nghiệp ngành khai thác máy tàu thủy của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Sau khi ra trường, Chiến làm việc tại một nhà máy sản xuất động cơ ở quê với mức lương ổn định.

Đừng vì thoáng thấy người này, người kia thành công mà bắt chước làm theo. Nếu có việc làm ổn định, hãy cố gắng làm để kiếm tiền giúp cho cuộc sống tốt hơn, thay vì hoài phí thời gian theo đuổi làm TikToker, YouTuber bởi rất dễ...công dã tràng.

Vương Minh Hoàng

Nhưng những hào nhoáng mà một số người làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã cuốn hút Chiến. Anh chàng khiến gia đình, người thân bất ngờ khi nghỉ việc và tạo ra những fanpage về tâm lý giới trẻ, kiến thức về tình yêu…

"Lúc đó, mình định hướng sẽ trở thành những "anh Chánh Văn", "anh Bồ Câu"… thời hiện đại, chuyên nói về chuyện tâm sinh lý của người trẻ. Mình cũng nghĩ đến việc sau này có thể trở thành một diễn giả, được các trường học mời đến để nói chuyện với học sinh, sinh viên, sẽ là một người có sức ảnh hưởng, có tài khoản Facebook được tick xanh…", Chiến kể.

Nhưng "người tính không bằng trời tính", những fanpage Tháo gỡ chuyện khó đỡ, Mr Không có gì phải lo… mà Chiến lập ra không phát triển, không thu hút người xem. Dù cố gắng "thay tên đổi họ" các fanpage cũng phải chạy quảng cáo để tăng tương tác người dùng nhưng vẫn không thành công, Chiến chuyển sang làm YouTuber rồi TikToker. Nhưng ở mạng xã hội nào thì vẫn bị hai chữ "thất bại" bám lấy. Hơn 3 tháng trước, Chiến quyết định dừng lại những ảo tưởng sẽ thành công trong môi trường mạng xã hội.

Chiến nhìn nhận: "Để làm mạng xã hội, tưởng dễ nhưng không dễ. Chính vì từng nghĩ ai cũng có thể làm được, làm thành công nên mình làm theo và nhận lại cái kết khá cay đắng. Mình lại rơi vào vòng luẩn quẩn của thất nghiệp".

Sau những ngày tự gặm nhấm sự thất bại, Chiến quyết định kể ra câu chuyện của bản thân để như là lời cảnh tỉnh cho những người trẻ đã và đang dửng dưng, cho rằng "lỡ thất nghiệp cũng không sao vì có thể làm mạng xã hội".

Thất nghiệp là... đi làm mạng xã hội?: Coi chừng... công dã tràng! - Ảnh 3.

Có nhiều người trẻ thú thật đã theo đuổi nghề sáng tạo nội dung nhưng chỉ tốn công vô ích

TỰ CHUỐC LẤY... THẤT NGHIỆP ?

Nguyễn Quốc Dũng (34 tuổi), từng là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh, Q.Bình Tân, TP.HCM. Và như Dũng nói: "Chẳng hiểu trời đất xui khiến thế nào mà tôi nghỉ việc vào năm 2021". 3 tháng thất nghiệp, Dũng có ý định sẽ xin việc ở một bệnh viện tuyến trên, nhưng cuộc đời đưa đẩy chàng trai này trở thành… TikToker.

"Trong thời gian nộp hồ sơ xin việc, tôi lướt mạng xã hội và xem TikTok. Thấy trên đó có nhiều bác sĩ cũng đăng tải những clip về sức khỏe, giải thích về nguyên nhân các loại bệnh, cách phòng chữa bệnh… nên tôi nảy ra ý tưởng làm TikToker", Dũng nhớ lại.

Dũng quyết định bước chân vào công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok. Đến tháng 3.2023, Dũng xóa tài khoản TikTok, gỡ bỏ cả ứng dụng này ra khỏi điện thoại. Dũng nói: "Không dám nghĩ đến, không dám nhắc tới quá khứ ấy".

Hóa ra công việc làm TikToker không dễ như Dũng từng nghĩ. Trớ trêu hơn, dù bỏ thời gian, công sức và cả chất xám để sản xuất cả ngàn clip trên TikTok nhưng công việc này chẳng đem lại giá trị gì khi kênh không thu hút người xem.

"Buồn nhất là khi tôi bị một số đồng nghiệp và bạn bè cũ xem thường, trêu chọc là bác sĩ TikToker", Dũng nói đầy chua chát.

Sau chuỗi ngày thất nghiệp hay "có việc làm mà như không có" trong vai trò nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, từ tháng 5.2023 đến nay, Dũng đi tìm việc. Giờ Dũng không còn quan trọng bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới, chỉ cần có công việc mà Dũng được mặc áo blouse.

Vương Minh Hoàng (31 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, từng làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư xây dựng Nhân Đạt, Q.Tân Phú với mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng "dòng đời đưa đẩy" đã "dắt" anh chàng này vào con đường làm YouTuber, Facebooker, TikToker.

"Mình thấy kênh YouTube Lộc Fuho TV vô cùng nổi tiếng, dù bạn ấy chỉ là người phụ hồ nhưng lại làm YouTube thành công nên mình nghĩ với kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm thì sẽ thành công hơn. Ngoài ra, mình thấy nhiều bạn sáng tạo nội dung trên YouTube rất hay, sở hữu những nút bạc, nút vàng, có những video triệu lượt xem… Họ cũng hay nói về thu nhập rất cao làm mình bị dao động trong suy nghĩ", Hoàng cho biết.

Nhưng Hoàng nhận cái kết phũ phàng. Hoàng thất bại dù tập trung tối đa thời gian cũng như đầu tư nhiều tiền để mua thiết bị quay hình, dựng phim, chi phí để đi lại trong quá trình sáng tạo nội dung. Thất bại ở YouTube, Hoàng chuyển sang đăng video trên Facebook và tiếp tục thất bại. Thử sức ở lĩnh vực TikTok, tình hình cũng không khả quan.

Thế là từ một người có công việc ổn định, thu nhập đủ trang trải cuộc sống ở thành phố, thậm chí còn dư tiền để tiết kiệm hàng tháng, Hoàng tự "đẩy" bản thân vào tình cảnh thất nghiệp.

"Tất cả thất bại là do bản thân mình mà ra. Mình đã tự chuốc lấy thất nghiệp", Hoàng thở dài rồi cho biết đang tìm công việc mới liên quan đến xây dựng, lĩnh vực mà Hoàng biết có thể làm tốt nhất.

"Từ câu chuyện của mình, cũng mong rằng người trẻ nên chín chắn trong suy nghĩ, nhất là những quyết định về công việc. Đừng vì thoáng thấy người này, người kia thành công mà bắt chước làm theo. Nếu có việc làm ổn định, hãy cố gắng làm để kiếm tiền giúp cho cuộc sống tốt hơn, thay vì hoài phí thời gian theo đuổi làm TikToker, YouTuber bởi rất dễ… công dã tràng", Hoàng chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.