Thất nghiệp năm 2021: Người làm du lịch chờ đợi mỏi mòn, đành… đổi nghề

29/12/2021 16:01 GMT+7

Chờ hết giãn cách 15 ngày, thêm 1 tháng, 2 tháng rồi tới 6 tháng… nhiều người làm du lịch thất nghiệp dai dẳng, chờ đợi mỏi mòn đã quyết định đổi nghề để mưu sinh. Chuyện có quay lại với nghề hay không thì... tính sau.

Trong các báo cáo về tình hình du lịch trên địa bàn TP.HCM trong năm 2020 và cả năm 2021 đều có chung nội dung: “Hướng dẫn viên, người làm du lịch phải nghỉ việc không lương, nhiều người chuyển sang bán hàng online, bán bảo hiểm hoặc về quê”. Giữa bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, những người làm du lịch tiếp tục thất nghiệp, dù còn yêu nghề, còn trăn trở nhưng một số người buộc phải đổi nghề để mưu sinh qua ngày. Ngược lại, vẫn có người chỉ chọn một số công việc làm thêm, chờ đợi ngày được quay trở lại với công việc đúng chuyên môn.

Chờ hết nổi, đổi nghề!

Chị Nguyễn Huỳnh Vy (29 tuổi, ở trọ Q.Tân Phú, TP.HCM) gắn bó với ngành du lịch từ năm nhất đại học nhận xét, chưa khi nào thấy ngành trải qua biến động lớn như đợt dịch Covid-19 này.

Học sinh chưa đi học trở lại, khu du lịch sinh thái giáo dục cũng rơi vào thế khó

V.Q

Từ cuối tháng 5, khu du lịch sinh thái, nơi chị làm hoạt náo viên, đóng cửa phòng dịch Covid-19, chị bắt đầu chuỗi ngày quanh quẩn trong phòng trọ với một công việc làm thêm tại nhà. Vẫn tự nhận bản thân may mắn vì tìm được việc làm thêm cả trong thời điểm giãn cách xã hội, nhưng chị Vy thừa nhận, thu nhập bấp bênh hơn trước rất nhiều.

“Du lịch là công việc đúng sở trường của mình, thu nhập ổn định nên cuộc sống cũng thoải mái hơn. Còn giờ làm việc nhưng chỉ đủ tiền đóng nhà trọ 3,5 triệu/tháng và cơm ăn qua ngày. Tiền gửi về quê nhờ ông bà chăm con bớt lại, ông bà cũng hiểu và thông cảm vì biết dịch giã kéo dài”, chị Vy bộc bạch.

Theo lời chị Vy, thời gian đầu công ty báo tạm thời nghỉ tháng 6, gần cuối tháng báo nghỉ thêm tháng 7, dần dà thêm tháng 8, tháng 9. Đến nay chị và đồng nghiệp vẫn chưa biết khi nào đi làm trở lại. “Chắc qua Tết”, chị Vy cười trừ.

Suốt thời gian biến việc làm thêm thành việc làm chính, chị vẫn mong mỏi được quay trở lại với du lịch, đúng sở trường của mình. Đồng nghiệp chị Vy, nhiều người chờ hết lần này đến lần khác, không biết chờ đến bao giờ đã quyết định bỏ đam mê để kiếm việc xoay xở lo cho gia đình.

Nhiều người làm du lịch quyết định đổi nghề vì chờ đợi quá lâu

V.Q

Chị chia sẻ: “Có lẽ tôi phải đợi ngành du lịch ổn lại hết mới quay lại với công việc, quay lại du lịch mà dịch bùng trở lại nữa thì chưa chắc gì tôi tìm được công việc để làm kiếm ăn qua ngày. Ai cũng nghĩ làm du lịch sướng, kiếm nhiều tiền, đi nhiều nơi. Nhưng từ năm 2020, du lịch đã bị khủng hoảng, cố gắng theo mà tới giờ chấp nhận buông để lo cho cuộc sống mình chứ không cố được nữa”.

Ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm, Tổng giám đốc KDL sinh thái giáo dục Về Quê, cho biết trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, KDL của ông đã cho 65% nhân viên tạm nghỉ việc, 35% còn lại tiếp tục duy trì bảo dưỡng và nhận 80% lương.

Thời gian đóng cửa KDL kéo dài vì dịch, nhiều điều khiến ông lo nghĩ. “Tôi cũng thất nghiệp đây, muốn tìm một lối đi khác cũng đắn đo suy nghĩ dữ lắm, chưa biết sẽ chuyển thế nào”, vị giám đốc cười nói.

Ở yên chờ ngày trở lại

Khác với chị Vy, anh Vũ Văn Luật (28 tuổi, ở H.Hóc Môn) vẫn cân nhắc chuyện xin việc làm mới hay chờ đợi ngày quay trở lại với công việc trưởng phòng kinh doanh của khu du lịch. Từ khi thất nghiệp chờ ngày khu du lịch được mở cửa trở lại đến nay, anh Luật ở nhà trông con, sống bằng tiền tiết kiệm. Các chi tiêu trong nhà phụ thuộc vào tiền lương giáo viên của vợ.

May mắn hơn đồng nghiệp, anh Luật có nhà ở Sài Gòn nên không phải tốn tiền trọ hằng tháng. Nhờ vậy, việc chi tiêu trong nhà cũng không quá áp lực khi cắt hẳn khoản tiếp khách, ăn bên ngoài hay đi chơi cuối tuần.

Chưa bao giờ, những người làm du lịch thất nghiệp lâu đến như vậy

V.Q

Anh tâm sự: “Tôi có hỏi một số anh em quen về việc làm mới thì phần đông nói phải xác định làm lâu dài mới được, chứ làm vài tháng chờ dịch ổn rồi nghỉ thì không khả quan cho lắm. Tôi thực sự không muốn đổi hẳn nghề nên cứ cân nhắc, đắn đo. Trụ được tới giờ này rồi, tôi và gia đình không còn quá hoang mang như trước mà xác định sống chung với dịch, công việc vẫn tiếp tục chờ đợi”. Anh Luật dự định chờ tiếp tới Tết xem tình hình dịch thế nào, rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, chị M.D (24 tuổi) cũng phải biến công việc làm thêm thành nguồn thu nhập chính vì thất nghiệp kéo dài. Sau thời gian giãn cách xã hội ở TP.HCM, chị D. đã thử tìm công việc mới nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp chuyên ngành nên vẫn tiếp tục bán hàng online.

Ngày trở lại của ngành du lịch phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch Covid-19, những người làm du lịch đã trải qua đợt dịch năm 2020 một cách không mấy bình yên, nhưng cũng không ngờ đợt dịch năm 2021 rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài đến vậy. Yêu nghề, mê công việc đúng chuyên môn, nhưng họ cũng đành rẽ ngang đổi nghề để kiếm cơm ăn qua ngày…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.