Chủ động lên mạng học hỏi cách làm lồng chim
Trước đây, Đức Anh làm bên lĩnh vực bất động sản và có sở thích nuôi chim, tạo thú vui tao nhã.
"Mỗi sáng mình nghe tiếng hót cũng như được chăm sóc những chú chim thì cảm thấy rất vui. Thi thoảng mình còn đem chim cảnh đi giao lưu với mọi người rồi gọt từng thanh tre làm thành chiếc lồng đẹp mắt", Đức Anh kể.
Năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát, Đức Anh gặp nhiều khó khăn trong công việc. Cũng khoảng thời gian đó, Đức Anh đã chủ động lên mạng, xem những clip về cách làm lồng chim để học hỏi kinh nghiệm.
Với sự quan sát, khéo léo cộng thêm tính kiên trì, Đức Anh đã tự tay thiết kế làm thành công chiếc lồng chim đầu tiên. "Mình quyết định nghỉ việc bất động sản, lấy tiền dành dụm mở một cơ sở nhỏ, mua nguyên vật liệu về làm và kinh doanh lồng chim", Đức Anh chia sẻ.
Thời gian đầu Đức Anh chủ yếu làm lồng chim theo kiểu thủ công, về sau đầu tư thêm máy móc như: máy cưa, cắt, phay, khoan... Đức Anh cũng thường xuyên cập nhật thông tin, quy trình, kỹ thuật làm lồng chim trên mạng xã hội để tạo ra sản phẩm tinh xảo, bắt mắt hơn.
Cũng nhờ đó tay nghề làm lồng chim của Đức Anh ngày càng tinh tế và chắc chắn, được nhiều người gần, xa biết tiếng tìm đến đặt hàng.
Chọn nguyên liệu rất quan trọng
Đến thời điểm hiện tại, Đức Anh sản xuất đa dạng lồng chim từ kích thước đến hình dáng. Theo Đức Anh, lồng chim gồm các bộ phận như: chân, trụ, nóc và các phụ kiện, móc treo…
Để làm ra lồng chim hoàn chỉnh, Đức Anh phải trải qua hàng loạt công đoạn như: lựa chọn tre, xử lý nguyên liệu, sau đó cắt xẻ chuẩn theo kích thước muốn làm, khoan lỗ, xỏ nan sao cho chuẩn, ghép và định hình lồng rồi cố định các chi tiết với nhau…
"Tùy vào độ khó mà thời gian hoàn thành lồng chim dài hay ngắn. Để làm ra một chiếc lồng chim đẹp, bền đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề khéo léo, tỉ mỉ", Đức Anh nói.
"Tùy theo kích thước lồng mà mình cắt gọt, xẻ thanh tre phù hợp. Kế đến là khoan từng chiếc lỗ ở xung quanh khung lồng, sao cho tương đồng để khi xỏ nan không bị vẹo, dễ làm sản phẩm méo mó. Sau khi hoàn thành các công đoạn, lồng chim được mình chà nhám, đánh bóng… nhằm tăng độ đẹp cho sản phẩm", Đức Anh chia sẻ.
Đức Anh nói thêm: "Quá trình chọn nguyên liệu rất quan trọng, vì quyết định được sản phẩm đẹp hay xấu. Tre mình chọn phải già, được xử lý qua nhiều công đoạn như: ngâm, luộc để khử hết đường và kí sinh trùng sâu mọt, sau đó đem phơi nắng".
Với Đức Anh, những chiếc lồng tưởng đơn giản nhưng đó là một quá trình kỳ công. Đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức của người làm.
"Không chỉ khéo léo, tỉ mỉ trong quá trình làm sản phẩm mình còn phải nắm chắc được về hình dáng, tập tính sinh hoạt của từng loài chim thì mới làm ra những lồng vừa vặn, phù hợp. Song, tùy vào sở thích, nhu cầu đặt hàng của khách mà mình sẽ sáng tạo, làm ra những lồng chim khác nhau", Đức Anh nói.
Bên cạnh đó, để nâng cao tay nghề, Đức Anh thường xuyên tìm tòi, học hỏi. Đồng thời, dành thời gian giao lưu với anh em cùng niềm đam mê làm lồng chim. Lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
"Mỗi người sẽ có cách làm khác nhau nhưng để khách hàng ưng mắt thì sản phẩm phải có hồn, tất cả tỉ lệ trên lồng chim thật cân đối. Trung bình mỗi tháng mình kiếm được từ 20 triệu đến 30 triệu đồng nhờ làm lồng chim", Đức Anh nói.
Ngoài mua sản phẩm của Đức Anh, anh Nguyễn Hồng Đăng (33 tuổi), làm việc tại số 23/9A Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM, còn chi thêm gần 4 triệu đồng để mua lồng về nuôi chim. "Mình biết sản phẩm của Đức Anh thông qua mạng xã hội. Mặc dù giá khá rẻ nhưng mình thấy lồng chim được người làm xử lý rất khéo léo, đẹp mắt…", anh Đăng nói.
Còn anh Lê Thế Dũng (32 tuổi), ngụ tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, cũng có sở thích chơi chim cảnh hay sưu tập những chiếc lồng đẹp mắt. "Mình còn mua thêm bonsai về xây dựng cảnh quan xung quanh. Từ khi có thú vui này mình hạn chế bấm điện thoại, chơi game. Cảm nhận được nét đẹp thiên nhiên, tiếng hót của các loài chim...", anh Dũng chia sẻ.
Bình luận (0)