Thất thoát lãng phí vốn nhà nước, nhiều cá nhân bị kỷ luật

Mai Hà
Mai Hà
31/10/2022 08:06 GMT+7

Cổ phần hoá giai đoạn 2016 - 2020 còn rất chậm, việc đầu tư trong và ngoài nước của một số doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả; quản lý và sử dụng vốn tại một số ngân hàng, tổ chức tín dụng còn hạn chế...

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả gây lãng phí sử dụng vốn nhà nước thời gian qua như Gang thép Thái Nguyên

T.N

TP.HCM kế hoạch cổ phần hoá 39 doanh nghiệp, kết quả 0

Theo đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc.

Kết quả giám sát cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% kế hoạch. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước bán được là 22.748 tỉ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020 là 89 doanh nghiệp, trong khi đó số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch.

Thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị chỉ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch (giá trị 6.493 tỉ đồng, thu về 13.583 tỉ đồng).

Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch. Đơn cử, Hà Nội kế hoạch cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn chỉ cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp. TP.HCM kế hoạch cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để kéo dài tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đầu tư thua lỗ, nhiều cá nhân bị kỷ luật, khởi tố

Đặc biệt, đoàn giám sát cũng chỉ rõ vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài và trong nước còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.

Đặc biệt, hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư ra nước ngoài không đạt được như kỳ vọng. Nhiều dự án lớn, trọng điểm chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả đầu tư. Điển hình là các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm… rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương; một số tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư; nhiều tổ chức, cá nhân bị kỷ luật, khởi tố hình sự, để lại hậu quả lớn cho xã hội, gây bức xúc dư luận.

Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước còn chậm, chưa được khắc phục triệt để.

Theo đoàn giám sát Quốc hội, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong khâu lập, thẩm định dự án chưa được quan tâm thích đáng, chưa đánh giá hiệu quả đầu tư, khả năng huy động và cân đối vốn.

Việc khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý phải điều chỉnh quy mô, không lựa chọn phương án tối ưu; thiếu thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng, số bước thiết kế, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng...

Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM kế hoạch cổ phần hoá 39 doanh nghiệp, nhưng không cổ phần hoá được đơn vị nào

ngọc dương

Trách nhiệm chính trong việc cổ phần hóa, thoái vốn không đạt yêu cầu đề ra là của các tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng kế hoạch không sát, không quyết liệt và kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

“Đối với các dự án đầu tư thua lỗ, không hiệu quả, chậm tiến độ trách nhiệm chính là của các tổ chức, cá nhân lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và trực tiếp là Ban Quản lý dự án người quyết định đầu tư, nhà thầu thi công trong khâu tổ chức triển khai thực hiện dự án”, đoàn giám sát Quốc hội nêu.

Quản lý, sử dụng vốn tại các ngân hàng còn hạn chế

Theo đoàn giám sát, báo cáo của Chính phủ chưa báo cáo cụ thể về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các tổ chức tài chính, ngân hàng và tín dụng đầu tư phát triển nhà nước.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các tổ chức tài chính, ngân hàng còn có một số tồn tại, hạn chế. Hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương.

Vẫn còn một số tồn tại, như còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác. Một số đơn vị chưa xử lý dứt điểm công nợ tồn đọng từ nhiều năm; đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Với SCIC, các khoản đầu tư vào Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty CP Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh không hiệu quả, 102/198 doanh nghiệp được tiếp nhận với số vốn đầu tư 1.620 tỉ đồng không có lợi nhuận được chia trong năm 2015...

Một số trường hợp khác như năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được 769 tỉ đồng nợ gốc, 735 tỉ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính II và 26 tỉ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính I để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định 99 tỉ đồng; PJICO để cán bộ chiếm dụng 0,81 tỉ đồng.

Năm 2017, Ngân hàng GPbank có 3.420 tỉ đồng phát sinh trước năm 2012, trong đó 2.982 tỉ đồng liên quan đến nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam); tạm ứng 362 tỉ đồng mua bất động sản nhưng bị tranh chấp pháp lý, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng…

Việc quản lý, sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc quản lý, tài sản tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chậm được xử lý. Nợ xấu của VDB tại 31.12.2018 chiếm 17,2% tổng dư nợ, Sở Giao dịch 1-VDB giải ngân cho vay Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu khó đòi 337,1 tỉ đồng; Ngân hàng Chính sách xóa nợ cho khách hàng chưa đúng quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.