Thất thu hàng trăm tỉ đồng vì đường nhập lậu

07/09/2012 18:25 GMT+7

(TNO) Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đường cho biết đường nhập lậu đang làm thất thu của Nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Nếu không có biện pháp phòng chống, doanh nghiệp đường sẽ thua ngay trên sân nhà.

Đây là ý kiến của các doanh nghiệp tại lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ngành hàng đường giữa Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Mía đường Việt Nam diễn ra vào ngày 7.9 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, trung bình một năm có khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu Lào và Campuchia, chiếm 20 - 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước.


Đường nhập lậu bị cơ quan quản lý thị trường bắt giữ - Ảnh: H.Ngọc

Theo tính toán của ông Long, nguồn đường nhập lậu này khiến Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỉ đồng mỗi năm, đồng thời các đối tượng buôn lậu còn tránh được hàng trăm tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sở dĩ tình trạng buôn lậu đường tràn lan, theo ông Long, là do giá thành sản xuất đường trong nước thường cao hơn so với Thái Lan. Được biết, giá nguyên liệu ở Việt Nam chiếm tới 80% giá thành đường, còn ở Thái Lan chỉ chiếm 60 - 70%.

Ông Nguyễn Văn Ba, cán bộ phụ trách công tác chống buôn lậu phía Bắc thuộc Tổng cục Hải quan, cho hay trung bình mỗi tháng tại các cửa khẩu phía Bắc có khoảng 5.000 container đường lậu núp dưới chiêu tạm nhập tái xuất.

Nguồn đường tạm nhập chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc. Lượng đường lậu ở hai đầu cửa khẩu thường xuyên chạy qua, chạy lại mỗi khi có biến động giá giữa Trung Quốc và Việt Nam.

“Hiện tại ở cảng Hải Phòng vẫn có tới 199 container đang nằm chờ thời cơ để chạy qua biên giới”, ông Ba nói.

Dọc tuyến biên giới Tây Nam, tiếp giáp với Campuchia được xem là nóng bỏng nhất của hoạt động buôn lậu đường. Ông Nguyễn Độ Kim, Đội phó đội chống buôn lậu phía Nam (đội 3), khu vực Châu Đốc (An Giang), cho biết toàn bộ lượng đường lậu tuồn vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ cửa khẩu này.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, hiện cả nước có hơn 30 nhà máy đường. Do các sản phẩm từ các nhà máy này hoàn toàn khác biệt nhau nên rất khó để cán bộ chống buôn lậu phân biệt đâu là đường sản xuất trong nước, đâu là đường nhập lậu.

Do đó doanh nghiệp nên sử dụng các loại bao bì, nhãn mác có những nhận biết đặc trưng, sau đó gửi cho cơ quan phòng chống buôn lậu giúp công tác nhận diện được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, ông Tần khuyến cáo doanh nghiệp trong nước cần tính tới giải pháp hạ chi phí, giá thành sản xuất vì không lâu nữa thì thuế suất nhập khẩu đường giữa các nước ASEAN sẽ về mức 0%.

Lúc đó, dù không còn đường nhập lậu nhưng các doanh nghiệp đường trong nước sẽ khó lòng cạnh tranh với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Đình Quân

>> Đường thừa, vẫn xin nhập khẩu
>> Thực trạng đáng báo động của ngành mía đường Việt Nam
>> Nỗi lo thừa đường
>> Cam kết WTO chưa cho phép đấu thầu lượng đường nhập khẩu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.