Thấu hiểu trẻ tự kỷ

01/04/2014 09:00 GMT+7

Ngày 29.3, tại Hội sách TP.HCM 2014, nhiều sinh viên, phụ huynh và chuyên gia cùng ngồi với nhau để chia sẻ về vấn đề chăm sóc, đồng hành với trẻ tự kỷ.

Thấu hiểu trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ sinh hoạt tại Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, TP.HCM – Ảnh: Như Lịch

Tìm được điều kỳ diệu

Chị Trần Thanh Hương, một người mẹ trẻ từ Canada trở về Việt Nam định cư hơn một năm nay, bộc bạch: “Người ta có một đứa con tự kỷ đã thấy sốc rồi, trong khi tôi có hai đứa con đều bị bệnh này. Là người mẹ, tôi ý thức phải làm gì cho con mình. Tôi tìm hiểu trên sách vở, tìm thông tin trên mạng, hỏi người này người kia. Công việc này giống như đào vàng vậy đó, mỗi ngày đào một ít cho đến khi đào được vàng -  đó là những chương trình hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ những trẻ mắc chứng bệnh trên”.

Với gương mặt rạng rỡ, chị Hương nói: “Điều tôi muốn chia sẻ là mọi người hãy tin tưởng vào bản thân mình trước khi giúp con mình. Chúng tôi có động lực để thực hiện từng bước một nên hai con hiện đã phát triển tốt hơn. Ngày xưa, nó không bao giờ nói chuyện với mình. Còn bây giờ nó thốt ra: “Mẹ ơi, I love you!”.

Chồng chị Thanh Hương cho biết thêm kinh nghiệm chăm sóc con: “Hãy đối xử nhẹ nhàng, không nên la lối, đánh con. Bởi vì mình càng la mắng, trẻ càng phản ứng mạnh. Phụ huynh cần bỏ nhiều công sức để có thể đem thế giới bên ngoài vào cho con và kéo con ra khỏi thế giới tự kỷ”.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, nhìn nhận: “Con chị Hương nói được câu “Mẹ ơi! Con yêu mẹ”, quả là điều tuyệt vời. Nhiều phụ huynh khác cũng kể với tôi về những trường hợp tương tự xảy ra với con của họ mà nước mắt lăn dài. Điều kỳ diệu không phải chỉ là việc bắn tên lửa lên cung trăng mà có khi là những điều bình dị như vậy ở xung quanh ta”.

 

Dịp này, cuốn sách Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ của tiến sĩ Phạm Toàn và bác sĩ Lâm Hiếu Minh (NXB Trẻ - First News ấn hành) đã ra mắt độc giả. Đây là cẩm nang đồng hành cùng trẻ em mắc bệnh tự kỷ, với những chia sẻ chân thành của người trong cuộc và nhất là kiến thức, kinh nghiệm hữu dụng để tìm hiểu nguyên nhân, phân loại, chẩn đoán và khả năng trị liệu từ những chuyên gia.

Đồng cảm và thay đổi

Phúc Hải, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, thắc mắc: “Em đang học ngành giáo dục đặc biệt. Em muốn biết việc giáo dục giới tính cho trẻ tự kỷ là như thế nào?”. Bác sĩ Lâm Hiếu Minh nêu ý kiến: “Chúng ta nên giáo dục giới tính như những trẻ bình thường, khi các em đến độ tuổi nào đó và trong môi trường phù hợp. Tuy nhiên, cách tiếp cận các em này phải khác với trẻ bình thường”.

Theo tiến sĩ Phạm Toàn, gia đình cần có tình thương yêu hết sức bao la đối với các em. Bên cạnh đó, phải có sự hợp tác với nhà trị liệu, sự hợp tác của xã hội, đặc biệt là trường học. Bởi lẽ, trường học phải đào tạo những giáo viên nếu không có chuyên môn về tự kỷ thì cũng hiểu một cách căn bản về lĩnh vực này. Từ đó, mới có thể sắp xếp lớp phù hợp với mức độ bệnh của các em.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng khẳng định: “Giáo dục các em này mà không kết hợp giữa gia đình và nhà trường thì không thể thành công. Đặc biệt nguy hiểm là khi từ chính trong gia đình, cha mẹ không thừa nhận có các em. Vì vậy, làm thế nào để phụ huynh chấp nhận con họ, sau đó mới tính đến những công đoạn khác”. Tiến sĩ Điệp cho rằng có những em mắc căn bệnh này nhưng được can thiệp kịp thời, nên đã có khả năng hòa nhập tốt ở cộng đồng và học hành tấn tới, không chỉ học THCS, THPT mà còn lên tới ĐH.

Hoàng Thùy Dung, tác giả những bức ảnh trong cuốn sách Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ, đã bộc bạch: “Trước đây, thi thoảng mình hay dùng hai chữ tự kỷ để đùa cợt người khác theo phong trào. Nhưng từ giờ, có lẽ mình sẽ bỏ nó ra khỏi từ điển đùa vui của bản thân, vì nếu ai đã hiểu rõ về tự kỷ, chắc chắn sẽ coi đó là lối đùa không vui. Mình sợ một ngày nào đó nếu lỡ miệng, khiến những người lâm vào tình cảnh thật nghe thấy thì họ sẽ đau lòng lắm”.

Như Lịch

>> Những đứa trẻ tự kỷ
>> Người thầy của trẻ tự kỷ vùng mỏ
>> Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ phát triển
>> Thăm trường trẻ tự kỷ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.