Thầy cô chịu nhiều áp lực lắm!

14/08/2015 15:33 GMT+7

Tôi đồng ý với suy nghĩ của bạn Nguyễn Vũ Hiểu Minh trong bài viết Đừng biến học sinh thành những kẻ dối trá . Tuy nhiên, cần nhìn rộng hơn, là chính thầy cô cũng bị rất nhiều áp lực, đôi khi cũng phải dối lòng mình.

Tôi đồng ý với suy nghĩ của bạn Nguyễn Vũ Hiểu Minh trong bài viết Đừng biến học sinh thành những kẻ dối trá. Tuy nhiên, cần nhìn rộng hơn, là chính thầy cô cũng bị rất nhiều áp lực, đôi khi cũng phải dối - trong những báo cáo tròn trịa, những điểm 9, điểm 10 không thực chất dành cho học trò.

 
Không chỉ học sinh, người thầy hiện nay cũng phải chịu nhiều áp lực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Không chỉ học sinh, người thầy hiện nay cũng phải chịu nhiều áp lực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 
Tại sao thầy cô phải “làm dối” như vậy trong khi người thầy là mô phạm, là hình ảnh đẹp đẽ qua mắt nhìn của xã hội? Bởi vì thầy cô cũng bị “áp doanh số” theo kiểu lớp mình, trường mình phải đạt tỉ lệ giỏi, tiên tiến bao nhiêu phần trăm... (tuyệt đối không cho phép có học sinh yếu). Chỉ tiêu dạy tốt, học tốt là điều cần thiết để thầy và trò cùng phấn đấu cao nhất có thể, nhưng đằng này lại hết sức cứng nhắc khi đưa ra chỉ tiêu, đánh giá việc dạy và học với cơ chế giáo dục nặng về hình thức, điểm số, thành tích nên đã tạo ra những con số “ảo”. Thực sự có nên cho điểm cao như thế, có nên cào bằng tất cả học trò khi không cho phép có trò giỏi, trò dở?
Chính vì chỉ tiêu đặt ra cao, đánh giá kiểu dựa vào thành tích nên học trò toàn là khá, giỏi, khen thưởng đồng đều. Nó khiến em thực giỏi sẽ kém động lực phấn đấu thêm, còn những em không có thực lực thì tự huyễn hoặc về khả năng của mình.
Chính vì áp lực thành tích, thi đua ảnh hưởng trực tiếp tới lương, thưởng của giáo viên nên nhà giáo buộc phải cho những con điểm dễ dãi, buộc phải “luyện gà” theo kiểu đọc văn mẫu, đọc bài giải, bắt thuộc lòng để rồi trả bài theo đúng những gì đã được đọc chép, làm thiêu rụi hết khả năng sáng tạo, tự học, tự phát huy năng lực cá nhân.
Tại sao thầy cô phải “làm dối” như vậy trong khi người thầy là mô phạm, là hình ảnh đẹp đẽ qua mắt nhìn của xã hội? Bởi vì thầy cô cũng bị “áp doanh số” theo kiểu lớp mình, trường mình phải đạt tỉ lệ giỏi, tiên tiến bao nhiêu phần trăm... (tuyệt đối không cho phép có học sinh yếu). 
Và, cũng vì áp lực thành tích cộng với những ba-rem điểm đưa ra cứng nhắc (của môn văn) mà người thầy phải nhồi nhét học trò của mình bằng những “chiêu” làm bài điểm cao, bằng những gạch đầu dòng sáo rỗng bởi những chữ nghĩa nguyên mẫu, đúng như đáp án.
Thật khó để có một bài văn bay bổng khi bị nhốt trong những nguyên tắc làm bài, những bài văn mẫu, những ba-rem chấm điểm môn văn chi li tới từng 0,25 điểm với những gạch đầu dòng khô khan trong đáp án (thường thấy trong những đề thi của bộ, của sở).
Tôi có những người bạn giáo viên, làm nghề với lương không cao nên tìm cách dạy thêm để cải thiện, dần dà, vì miếng cơm manh áo mà không còn nhiệt huyết như thuở mới ra trường hay khi chọn nghề (vì để dành thời gian, tâm sức dạy thêm, thu nhập cao hơn lương). Có những người bạn giáo viên nói rằng, cũng rất đau xót, rất nản khi phải chấm những bài văn không chút sáng tạo của học trò. Hay phải đọc những bài viết mà mình biết chắc các em viết gì (vì những gì các em viết là những điều đã được “gạo” trước) song không thể làm khác, vì cơ chế dạy, học, đánh giá nó như vậy. Thậm chí không dám cho điểm thấp những bài kiểm tra lẽ ra nên thấp điểm, vì như thế, đồng nghĩa với tự đánh rớt thành tích dạy học của mình!
Tất nhiên, không phải không có những người thầy, cô sáng tạo, đem những chất liệu từ cuộc sống vào bài giảng, vào từng tiết học; đánh giá học trò theo hướng mở chứ không khép mình trong những ba-rem điểm khô khan. Nhưng có lẽ những người thầy như thế thật hiếm hoi, ai được học là một điều may mắn.
Có một điều cần suy nghĩ, là người thầy bây giờ phải làm quá nhiều việc, cũng chịu quá trời áp lực từ yêu cầu ở trên, từ việc đánh giá của xã hội. Bây giờ, thầy không thể “làm căng” với trò vì nhiều lý do, nên phải “dỗ” nhiều hơn “dạy”. Bởi sự học được hay không, thậm chí rủi học trò ấy nghỉ học một cái (vì lý do trời ơi nào đó) thì giáo viên cũng khó mà đạt thành tích, đạt thi đua - đó cũng là một áp lực khiến người thầy mất đi ít nhiều nhiệt huyết.
Ở một khía cạnh khác, có câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nghề giáo đôi khi không phải là lựa chọn đầu tiên, bằng niềm đam mê thực sự của người đứng lớp nên khi ra làm nghề sẽ hời hợt, làm cho có, theo khung hướng dẫn để “qua ngày đoạn tháng”. Chính vì thế, người thầy đã không toàn tâm toàn ý, đã lơ là, đã không hết dạ dạy dỗ thì làm sao học trò có cảm hứng để học, để sáng tạo - rồi từ đó, qua quýt “thỏa hiệp” để đi qua hết lớp này tới lớp khác.
Tôi nghĩ, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới những học trò không tốt, bởi đã có những người đứng lớp “bất đắc dĩ”, không thực yêu nghề. Thực ra, nếu có tình yêu nghề thì người ta chắc chắn sẽ có sáng tạo, chắc chắn biết khơi gợi để mở mang sự sáng tạo của học trò, đồng thời, biết tưới tẩm những hạt giống nhân hậu, tốt đẹp trong học trò. Để rồi, khi ra trường, xa lớp nhiều năm, người thầy ấy vẫn đọng lại trong trí nhớ với lòng biết ơn của học trò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.