Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Theo xu hướng nghề nghiệp của học sinh

01/03/2014 03:00 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đây là phương án thi tốt nghiệp thể hiện được việc đổi mới mạnh mẽ theo hướng giảm áp lực cho học sinh và xã hội, đã được ngành giáo dục, học sinh, phụ huynh và cả xã hội đồng tình ủng hộ.

Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Theo xu hướng nghề nghiệp của học sinh
Học sinh lớp 12 Trường phổ thông nội trú Langbiang (Lâm Đồng) trong giờ ôn tập môn hóa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Với phương án này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những thay đổi căn bản, đó là: số môn thi giảm; học sinh được quyền tự chọn 2 môn và điểm xét tốt nghiệp có thêm điểm trung bình cả năm của năm lớp 12. 

Thay đổi lối suy nghĩ cũ

Việc Bộ GD-ĐT quyết định chỉ còn 4 môn thi thực sự là một đổi mới về quan điểm. Cách đây gần 10 năm Bộ GD-ĐT có chủ trương “học gì thi nấy” và dự kiến sẽ tăng dần từ 4 môn thi năm 2004 lên 5 môn năm 2005, rồi 6 môn năm 2006 và dự kiến sẽ tăng tiếp môn thi những năm sau. Tuy nhiên, quan điểm này đã không được chấp thuận vì thi cử quá nặng nề, tốn kém nên ngành giáo dục cũng đã xác định dừng lại 6 môn. Hình thức thi cũng thay đổi bao gồm tự luận và trắc nghiệm khách quan.

Cho học sinh tự chọn môn thi cũng là một đột phá vì đây là thay đổi cả một lối tư duy. Tư duy cũ xác định muốn học sinh phát triển toàn diện phải tránh hiện tượng học lệch, học tủ và để làm được điều đó thì Bộ phải chọn môn thi. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh nơm nớp lo lắng, cũng như không công bằng đối với tất cả học sinh. Không tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong thi cử. Một số học sinh chấp nhận sử dụng “phao thi” đối với những môn mà mình không thích học.

Tại hội thảo khoa học “Tổng kết nghiên cứu giáo dục phổ thông Việt Nam và một số nước trên thế giới đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo về đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam”, do Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 11.2012, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi (3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ), môn còn lại cho học sinh tự chọn theo khả năng, xu hướng nghề nghiệp của các em. Một số đại biểu tham dự phản đối vì cho rằng nếu để học sinh tự chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch.

Quay cóp giảm, chạy điểm tăng

Với phương án thi năm nay sẽ có một số vấn đề nảy sinh sau: Học sinh chọn môn thi như sử, địa chắc chắn là ít vì tỷ lệ học sinh thi đại học khối C thấp. Hiện tượng quay cóp tài liệu sẽ giảm (vì các em được thi những môn hợp với sở trường), nhưng hiện tượng chạy điểm lớp 12 sẽ tăng.

Việc chạy điểm, nâng điểm cũng đã từng xảy ra cách đây hơn chục năm, khi Bộ GD-ĐT có chủ trương tuyển thẳng đại học những học sinh đỗ tốt nghiệp loại giỏi và có bình quân điểm thi trên 9. Tuy nhiên, thực hiện sau 3 năm, Bộ GD-ĐT phải dừng chủ trương này do tiêu cực nảy sinh. Đây chính là điều cảnh báo cho các nhà trường. Việc tổ chức thi năm nay sẽ phức tạp hơn vì các em phải thay đổi phòng trong quá trình thi.

Để giảm tình trạng học lệch và việc chạy điểm, nâng điểm, về lâu dài, đối với THPT nên xây dựng chương trình theo học chế tín chỉ như kinh nghiệm một số nước trên thế giới. Trước mắt cần xét điều kiện dự thi là các môn không thi phải có điểm trung bình môn từ 5 trở lên. Em nào chưa đạt, nhà trường phải tổ chức thi lại khi nào đạt mới đủ điều kiện dự thi. Như vậy, đối với những môn không thi, học sinh cũng nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản.

Việc tổ chức coi thi cũng như chấm thi năm nay sẽ phức tạp hơn, do đó quy chế thi tốt nghiệp phải được quy định một cách chặt chẽ ở tất cả các khâu và phần mềm quản lý thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT phải thực hiện tốt các khâu từ sắp xếp danh sách phòng thi cũng như ráp phách, lên điểm, xét tốt nghiệp…

Phương án thi tốt nghiệp mới đã được sự đồng thuận của học sinh, giáo viên, ngành giáo dục và toàn xã hội. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ nói lên được nhiều vấn đề, và hy vọng đây chính là khâu đột phá để ngành giáo dục vững tin trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

>> Thi tốt nghiệp THPT 4 môn
>> TP.HCM công bố ngày thi tốt nghiệp chương trình tiếng Pháp song ngữ
>> Sẽ không mở rộng đối tượng miễn thi tốt nghiệp THPT
>> Các phương án thi tốt nghiệp THPT: Xem xét ngoại ngữ là môn tự chọn
>> Đa số ý kiến ủng hộ thi tốt nghiệp 4 môn
>> Bộ GD-ĐT giải thích về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT
>> Khảo sát của Báo Thanh Niên về cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.