Không còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Với nhân sự gần 100 người, trong đó chỉ khoảng 60 người trực tiếp làm công tác chuyên môn, năm 2019, Ban Kinh tế T.Ư sau 7 năm tái lập theo đánh giá của các đại biểu đã đạt được kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của KT-XH đất nước. Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Hoàng Bình Quân chia sẻ với tư cách là một cơ quan tham mưu về thể chế kinh tế, hoạch định các chủ trương, giải pháp quan trọng về KT-XH, Ban Kinh tế T.Ư đã có những đóng góp rất hiệu quả, rất quan trọng. Trong đó có 8 đề án hoàn thành, 6 đề án được thông qua đã trở thành những nghị quyết, chủ trương để lãnh đạo kinh tế.
“Tôi thấy trong đó có những nghị quyết rất quan trọng như về nông dân, nông nghiệp, nông thôn; chính sách về thu hút FDI hay là về Cách mạng công nghệ 4.0”, ông Quân bày tỏ.
Từ góc độ đối ngoại, theo ông Quân, hai ban đã phối hợp rất chặt chẽ. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, kinh tế… giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chắt lọc lý luận, thực tiễn, trí thức và kinh nghiệm của thế giới đưa ra các sách lược lãnh đạo phát triển kinh tế. “Nói sâu xa hơn nữa, có thể có những đối tác trước đây cũng chưa hiểu chúng ta, nhưng bây giờ thừa nhận thể chế chính trị của VN. Ban Kinh tế T.Ư đã góp phần khẳng định sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng về kinh tế trong nhận thức của cộng đồng quốc tế”, ông Quân nói thêm.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong năm vừa qua, TP thường xuyên trao đổi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Ban Kinh tế T.Ư. “Đặc biệt, Ban có vai trò vô cùng quan trọng khi TP báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị sau 5 năm. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết 21 tiếp tục phát triển TP và Quốc hội có Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM phát triển”, ông Nhân nói.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “điểm” lại kết quả năm 2019: là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt và vượt cả 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%...
“Đạt được những thành tựu này trước hết là nhờ đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt là có sự đổi mới tư duy phát triển, tư duy quản lý, thể hiện trong các văn kiện quan trọng như Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Những nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng”, Thủ tướng đánh giá và lưu ý sự thành công của VN là sự năng động trong phát triển, những kết quả lĩnh vực KT-XH có sự đóng góp quan trọng của Ban Kinh tế T.Ư. Thủ tướng ghi nhận 4 thành tích nổi bật của Ban Kinh tế T.Ư.
Thứ nhất, thực hiện tốt được vai trò của cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về KT-XH.
Thứ hai, công tác phối hợp thời gian qua có sự thống nhất cao giữa Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư. “Từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến thực tiễn, từ nghị quyết của Đảng đến nghị quyết của Chính phủ, không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “ông nói gà, bà nói vịt” nhưng chúng ta cũng không nhầm lẫn chức năng nhiệm vụ giữa ban Đảng và Chính phủ trong điều hành nhà nước”, Thủ tướng đánh giá.
Thứ ba, Ban Kinh tế T.Ư làm tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến với số lượng tới 117 ý kiến đối với nhiều báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị. Ý kiến thể hiện quan điểm rõ ràng, có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có cơ sở xem xét trước khi ban hành những nghị quyết liên quan đến vấn đề KT-XH của đất nước.
Thứ tư, ban đã chủ động, tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng; kịp thời nắm bắt phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc…
Không bị động trong mọi tình huống
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế như một số đề án chưa phải là tốt cả, một số đề án chất lượng chưa cao. Việc kiểm tra giám sát thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng chưa kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để đề xuất điều chỉnh. Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Ban Kinh tế T.Ư là cực kỳ quan trọng. Những kết quả và kinh nghiệm đã có thời gian vừa qua đã đạt được, phải tiếp tục nhân rộng, phát huy, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Thủ tướng lưu ý thêm đất nước đang tồn tại nhiều nút thắt lớn hạn chế phát triển, khiến tiềm năng không được giải phóng. Song, nút thắt lớn nhất là tư duy, nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì có điều chỉnh thể chế vẫn là thể chế cũ, bình mới rượu cũ, không thể đột phá.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trong thời gian tới mà Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao cũng hết sức nặng nề và trọng trách cũng hết sức cao. Đây vừa là niềm vinh dự cũng vừa là một thách thức rất lớn với chúng tôi. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ, đồng hành của tất cả các đồng chí”.
Bình luận (0)