Đọc vụ nam sinh 17 tuổi tự tử sau khi làm việc với công an xã, tôi lại nhớ đến chuyện của cô em. Em bị vu oan và định tự tử, nhưng gia đình cứu được. Còn nam sinh kia không được may mắn như thế.
Bức thư tuyệt mệnh của nam sinh để lại sau khi uống thuốc diệt cỏ - Ảnh: Hiển Cừ |
Nhiều năm về trước khi cô còn là cô bé 17 tuổi, gia đình nghi cô lấy cắp tiền trong nhà để đi chơi cùng chúng bạn. Trong phút giây bồng bột, cô đã chạy đi mua 30 viên thuốc ngủ, thuê phòng để tự tử hòng chứng minh mình vô tội.
Cũng may vụ tự tử được can thiệp kịp thời, chưa bất trắc nào xảy ra.
Ở độ tuổi này, các em là những đứa trẻ mới lớn, còn ham chơi nên không thể tránh khỏi những phút giây dại khờ để thể hiện mình. Chúng có thể sẵn sàng lấy tiền của gia đình để mua sắm, để chủ chi trong các cuộc tụ họp chỉ để giật le "ta đây chẳng kém ai" với chiến hữu.
Chẳng ngạc nhiên khi tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội này lại chiếm đa số.
Nhưng, cũng ở độ tuổi này, các em chưa hoàn thiện về nhân cách, dễ bị tổn thương. Đứng trước những lời vu vạ thường bất khả kháng và bế tắc trong mớ suy nghĩ luẩn quẩn.
Mọi chỉ trích cay nghiệt hay ánh mắt dè bỉu đều có thể trở thành con dao nghiệt ngã tước đoạt đi sinh mệnh của các em. Khi bị đổ oan, các em thường mang tâm lý rằng tới đâu cũng sẽ nhận được ánh mắt đề phòng, nghi ngại. Khi không thể chứng minh được sự vô tội, các em chọn cái chết như một sự giải thoát để chứng tỏ mình trong sạch.
Chúng ta là người ngoài có thể nói các em dại dột nhưng chúng ta không phải là người trong cuộc để có thể hiểu được những tổn thương tâm lý mà các em phải chịu để rồi dẫn đến những cái chết đau lòng.
Tôi nghĩ, làm việc với độ tuổi này cần một thách thức rất lớn, đòi hỏi người lớn không chỉ am hiểu pháp luật mà cần có đủ sự tinh tế để nắm bắt tâm lý tuổi mới lớn.
Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì ngoài sự thị uy của những người lớn trong chức danh công an ngang nhiên xộc vào trường, bất chấp luật pháp đưa em đi mà không thông báo cho nhà trường, cho gia đình? Họ chẳng mảy may quan tâm những ánh mắt hiếu kỳ dõi theo em từ chúng bạn, từ thầy cô.
Chúng ta nhìn thấy gì ngoài sự bất lực của nhà trường trước sức mạnh của sắc phục? Họ, những thầy cô, người quản lý học sinh đã chẳng đủ am hiểu kiến thức pháp luật để bảo vệ cho học sinh của mình khi chúng vẫn còn ngồi trên ghế của nhà trường.
Chúng ta nhìn thấy gì ngoài sự lo âu, sợ sệt, khủng hoảng của nam sinh đó khi một mình từ sáng đến tối phải ngồi đối mặt với những con người trong vai trò người thực thi luật pháp, muốn làm cho ra lẽ đúng sai nhưng ngay cả những nguyên tắc pháp luật cơ bản nhất họ cũng cố tình phớt lờ?
Sau tất cả, chúng ta chỉ còn thấy nỗi đau của người cha trong đám tang đến không còn khóc được nữa, lâu lâu lại lẩn thẩn hết vỗ tay lại đấm ngực bất lực, là nước mắt của người mẹ lam lũ quanh năm chúi mặt vào ruộng đồng ngơ ngác vì mất con.
Nam sinh đó đã không may mắn như cô em tôi, em đã chết và để lại một lá thư tuyệt mệnh trong tức tưởi.
Những người phải có trách nhiệm trong vụ án này liệu có cắn rứt lương tâm khi họ đã gián tiếp hay trực tiếp dồn em vào con đường cùng?
Hãy hỏi tại sao người dân đã chẳng còn gọi là "anh công an" đầy tôn trọng mà thay vào đó là sự sợ sệt, không biết bấu víu vào đâu trước những biện pháp nghiệp vụ dùng để phá án của các anh.
Bình luận (0)