Thấy gì sau một năm dạy học chuyên đề ngữ văn theo chương trình mới?

02/05/2023 11:30 GMT+7

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh chọn lựa theo khối lớp có định hướng nghề nghiệp thiên về khoa học xã hội và nhân văn phải học thêm các chuyên đề ngữ văn của môn văn.


Với tổng số 35 tiết trong năm học, chuyên đề ngữ văn lớp 10 (năm đầu tiên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu lớp 10, 11, 12) gồm 3 nội dung: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian (10 tiết); Sân khấu hóa tác phẩm văn học (15 tiết); Đọc, viết, giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết (10 tiết). 

Thấy gì sau một năm dạy học chuyên đề ngữ văn theo chương trình mới? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 theo học môn ngữ văn theo chương trình mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Mong muốn của người soạn chương trình

Mong muốn của các tác giả chương trình, sách giáo khoa chuyên đề là "soạn theo phương châm thiết thực, gắn tri thức, kỹ năng với thực hành; kết hợp củng cố, hệ thống hóa kiến thức cơ bản với các hoạt động vận dụng, nhằm tạo ra các sản phẩm cụ thể" (Lời nói đầu, bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam). 

Chính vì thế, cách biên soạn sách giáo khoa (cả sách giáo viên) rất rõ ràng, cặn kẽ. Tìm hiểu cách soạn của 3 bộ sách (gồm Kết nối tri thức, Cánh diềuChân trời sáng tạo) chúng tôi thấy mỗi bộ đều có ưu điểm riêng. 

Nếu học sinh chịu khó học tập, chịu đầu tư công sức sẽ đạt được kết quả như mong muốn của các tác giả. Và thực tế khi giảng dạy chuyên đề, chúng tôi thấy nhiều em học khá tốt, sản phẩm có chiều sâu. Trong đó chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học được hầu hết học sinh yêu thích. Theo sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh các nhóm phân công lựa chọn tác phẩm và biên soạn kịch bản, lựa chọn vai diễn, chọn trang phục, phụ trách ánh sáng, âm thanh... Nhiều tiết mục thể hiện cảm xúc sâu đậm của học sinh. Như từ bài thơ Emily, con của Tố Hữu học sinh đã chuyển thể thành một màn diễn rất xúc động. Chuyên đề giới thiệu một tác phẩm cũng có nhiều sản phẩm bài viết có cảm nhận sâu sắc, mới mẻ.

Thấy gì sau một năm dạy học chuyên đề ngữ văn theo chương trình mới? - Ảnh 2.

Chuyên đề ngữ văn lớp 10 gồm 3 nội dung: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian; Sân khấu hóa tác phẩm văn học; Đọc, viết, giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết

ĐÀO NGỌC THẠCH


Chương trình khá nặng so với sức của học sinh

Tuy vậy, việc dạy chuyên đề ngữ văn lớp 10 gặp không ít khó khăn. Trước hết, nhìn tổng thể thì chương trình khá nặng so với học sinh, quá sức với năng lực nhiều em. Một giáo viên dạy ngữ văn lớp 10 nêu nhận xét: "Chuyên đề quá sức với học sinh, tương xứng với năng lực nghiên cứu của sinh viên ngành khoa học xã hội của các trường đại học".

Cùng với năng lực có giới hạn về trình độ tư duy của học sinh lớp 10, hầu hết các em chưa có kỹ năng về nghiên cứu từ cấp THCS. Từ lớp 9 lên, các em rất bỡ ngỡ, vì chưa quen, chưa hề biết tự nghiên cứu.

Các bài soạn dù chi tiết song vẫn còn không ít hàn lâm theo cách nghiên cứu bấy lâu nay. Chẳng hạn nguồn tài liệu, chủ yếu là kỹ năng thực hiện trên sách in. Trong khi đó, hầu hết học sinh đều lấy thông tin từ trên mạng. Không thể đòi hỏi các em phải lặn lội kiếm tìm tư liệu ở các nhà sách như trước đây được. Nên sự nghiên cứu khó có phát hiện mới, sâu được.

Ngoài ra, quỹ thời gian của học sinh lớp 10 có giới hạn. Các em còn phải học nhiều môn khác, mà môn học nào cũng yêu cầu cao theo chương trình mới hiện hành.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.