Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương: ‘Một video triệu view của tôi chỉ tốn 650.000 đồng’

02/08/2022 19:00 GMT+7

Đằng sau các video hàng triệu lượt xem và những bài giảng truyền cảm hứng của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương là những câu chuyện thú vị mà một người làm giáo dục kiêm sáng tạo nội dung như anh ít khi chia sẻ.

- Từ khi nào anh nảy ra ý định làm các clip nhạc chế để giúp các em học tiếng Anh tốt hơn?

Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương: Ngày xưa các thầy cô của mình cũng đã làm thơ, làm vè, làm mẹo, làm đủ thứ để giúp học trò học một cách thoải mái hơn. Mình cũng chỉ là 1 trong số đó thôi, nhưng được cái mình có sự thích thú với âm nhạc và cũng được trời cho khả năng đặt lời nên mình tận dụng cái đó. Vào năm 2015, có lần đang đi trên đường, mình lẩm nhẩm một câu hát mà mình nhớ như in đó là sự mở màn cho một chuỗi về sau: “Vợ chồng get on sống tới bạc đầu, bạn bè get on không ai buồn rầu. Bởi vì get on well, thuận hòa như sơn keo”. Get on có nghĩa là thuận hòa, mình đặt vô lời hát như vậy và thấy tại sao không làm nguyên một bài. Lần đầu tiên mình viết là như vậy, rất thô sơ và nhiều nội dung, làm rất cực. Rồi từ từ mình cũng làm tiếp cho tới bây giờ.

- Vậy thông thường một clip như vậy anh làm mất bao lâu?

Nếu mình nói một bài làm khoảng 1-2 tiếng thì các bạn sẽ nghĩ nó dễ. Nhưng để có 1-2 tiếng ngồi viết ra lời thì phải cần có thời gian quan sát, lên ý tưởng, coi người ta cần gì và góp nhặt nội dung. Chẳng hạn bài hát về thành ngữ thì mình phải đi chọn lọc thành ngữ, thành ngữ nào người ta thực sự có xài, thành ngữ nào có vậy nhưng người ta ít xài. Mình phải chọn những thành ngữ được nhiều người chọn hơn, phù hợp để đưa vào nhạc. Chọn xong rồi thì mình phải gieo vần, mình nghe đi nghe lại, mình làm tất cả mọi thứ. Nói chung rất là lâu, phải 1 tháng tính cho tất cả những thứ đó. Làm xong lại phải thu âm, đôi khi là dựng clip, mình làm rất lâu. Cứ ngỡ đó chỉ là thời gian cho bài đầu tiên thôi, những bài sau sẽ ngắn hơn vì mình đã có kinh nghiệm rồi nhưng không phải như vậy. Càng về sau áp lực đổi mới càng nhiều, bài sau phải hay hơn bài trước, phải khắc phục được cái dở của bài trước. Nên mỗi bài có áp lực riêng và lúc nào cũng lâu hết.

- Ngoài âm nhạc thì với cương vị một thầy giáo, anh nghĩ còn cách nào khác để truyền cảm hứng học tập cho các em không?

Chúng ta cứ nghĩ rằng truyền cảm hứng là phải ca hát, nhảy múa, phải chơi trò chơi… Sai, không phải như thế đâu. Nhiều lúc các bạn cảm thấy vô một lớp học rất vui, rất nhiều màu sắc nhưng cuối cùng bước ra chúng ta học được gì, nhiều khi không học được gì cả. Vậy thì cái đó không có truyền cảm hứng. Nhưng ngược lại có những người cứ dạy đều đều nhưng mà đi bài bản, làm cho mọi thứ rất dễ dàng, dễ hiểu. Khi mình làm cho học trò dễ hiểu và hiểu được bài thì bạn ấy ngay lập tức có một cái phản xạ là muốn làm. Chẳng hạn thầy hồi xưa của mình, thầy lớn tuổi rồi, thầy không vui nhộn, ca hát, nhảy múa gì hết nhưng thầy giảng rất dễ hiểu. Thầy giảng xong là mình ngay lập tức muốn mở bài tập ra để chứng tỏ bản thân liền, đó chính là truyền cảm hứng. Truyền cảm hứng tức là mình làm cho người khác muốn làm điều đó. Vậy thì bây giờ mình cứ dạy thật dễ hiểu, để tất cả mọi người đều cảm thấy họ làm được. Đó là mấu chốt của việc truyền cảm hứng.

Cứ đi đúng bài bản, những gì mình đã từng được dạy, được đào tạo ở trường, lâu lâu mình thêm thắt chút xíu gia vị, chẳng hạn kịch nghệ, thơ thẩn, chẳng hạn như màu sắc, trò chơi, mẹo này mẹo kia cho vui nhưng bản chất đó không phải những thứ truyền cảm hứng đâu.

- Trở lại việc sản xuất nội dung trên các mạng xã hội, anh thường thực hiện clip bằng các công cụ thu âm, ghi hình cao cấp hay chỉ đơn giản sử dụng điện thoại?

Chi phí sản xuất nội dung có những lúc mình phải bỏ ra tới vài chục triệu cho công đoạn thu âm, ghi hình, make up tất cả mọi thứ. Nhưng cũng có lúc mình chỉ bỏ ra vài trăm ngàn, cụ thể 650.000 đồng là cũng đã có một sản phẩm rồi. Mình không biết như vậy có đúng với những nghệ sĩ khác hay không, nhưng đối với riêng mình, cái gì càng làm mộc mạc, đơn sơ lại càng lan tỏa. Chẳng hạn như bài Despacito mình làm khoảng năm 2018 là thu âm hết đúng 600.000 đồng, lời mình tự đặt, lúc đó chẳng có trang phục, trang điểm gì luôn. Mình kêu một bạn học trò của mình nhảy phụ họa, bao bé một ly trà sữa 50.000 đồng nên tổng chi phí là 650.000 đồng. Đây là MV triệu view đầu tiên của mình, trước đó mình chưa bao giờ được như vậy.

Gần đây sau 4 năm mình remix lại bài Despacito do tự nhiên mình ngẫu hứng quá. Mình nói bạn nhân viên cầm điện thoại quay giùm thì video lại có sức lan tỏa. Vậy thì để trả lời cho các bạn Gen Z về việc sáng tạo nội dung, đó là các bạn cứ làm đi. Chỉ cần 1 cái điện thoại, một cây guitar là đã đủ làm một MV triệu view. Sáng tạo nội dung không nhất thiết phải bỏ ra quá nhiều tiền.

- Một số bạn Gen Z hiện nay rất đam mê với việc sản xuất nội dung, anh có nghĩ đó là một nghề nghiệp triển vọng trong tương lai không?

Tại sao không? Xã hội đang thay đổi rất nhanh. Chúng ta hay nói, mình buồn vì xã hội không giống như ngày xưa, xã hội thay đổi nhiều quá. Ngày xưa mình đọc sách rất nhiều còn bây giờ các em lướt điện thoại rất nhiều là kiểu vậy. Nhưng đó chỉ là một hướng thôi, mình không hoàn toàn đồng ý với những ý kiến đó đâu. Đôi khi các em cầm điện thoại là các em đang học đó. Các em cầm đôi khi là để xem những phần mềm học tiếng anh, dùng những phần mềm đọc sách hoặc xem nội dung lành mạnh. Đó cũng chính là đang học. Vậy thì TikTok, Facebook đã ra đời như một phần tất yếu thì tất cả chúng ta phải thuận theo xu thế, mình dùng những cái đó để sáng tạo nội dung.

Tôi sẽ không ngăn chặn, phản bác bởi vì những nội dung tiêu cực dễ lan truyền, còn những nội dung tích cực đang bị ém đi. Tôi sẽ nói các em ơi, các em hãy sáng tạo những nội dung tốt đi, để cùng nhau vực dậy, để chúng ta thấy rằng còn rất nhiều người khao khát những nội dung chất lượng. Chẳng hạn những nội dung về cái đẹp đang rất lên ngôi, những nội dung Learn On TikTok đang rất lên ngôi, rất nhiều người làm nội dung tiếng Anh. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Các em làm đi, rồi lan tỏa những lối sống đẹp, lối sống giản dị… Đó là cách để mình sáng tạo nội dung.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương là thành viên Ban giám khảo của cuộc thi viết “Sống đẹp” do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC. Anh cũng là nhân vật góp mặt trong tọa đàm “Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z” tổ chức vào 14 giờ 30 phút ngày 3.8.2022 tại Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM. Buổi tọa đàm được phát sóng trực tiếp trên các kênh Báo Thanh Niên, Facebook, YouTube và Tiktok Báo Thanh Niên.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời như Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Đặng Trần Thủy Tiên - Hoa khôi truyền cảm hứng Đại học Ngoại thương; Nguyễn Thiện Minh, Phù Quốc Vương - chủ nhân của các clip lan tỏa thông điệp “Người Việt mình giàu tình thương lắm”… và nhiều gương mặt Gen Z tiêu biểu khác.

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với các khách mời của chương trình, vui lòng điền thông tin đăng ký tại đây

Số lượng đăng ký có hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.