Thầy giáo của trẻ chài

21/05/2022 06:24 GMT+7

Suốt 30 năm âm thầm trao truyền con chữ cho trẻ em nghèo của dân vạn đò trên phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế) để rồi hôm nay, nhiều con em làng chài được thầy “chắp cánh” bay đi muôn nơi, thoát được cảnh nghèo đói cứ đeo bám dai dẳng, day dứt họ cứ tưởng như không thể nào nguôi ngoai.

Đó là thầy giáo Trần Văn Hòa, 62 tuổi, trú thôn Đập Góc (xã Phú Mỹ, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), một tấm gương bình dị nhưng rất đỗi cao quý, được nhân dân địa phương gọi bằng cái tên trìu mến: thầy giáo của trẻ chài.

Mở lớp tại nhà giúp trẻ vạn đò thoát nghèo

Từ năm 1990, thầy Hòa thương cảnh nhiều trẻ em vạn đò suốt ngày theo bố mẹ lênh đênh sông nước, theo đuôi con cá con tôm, thả lừ bủa lưới. Lúc bấy giờ hầu hết trẻ ở trong thôn đều mù chữ, cái sự học hầu như không được bà con ở đây nghĩ tới. Thế là thầy Hòa mạnh dạn “biến” điều không thể thành có thể: thầy xin mẹ mở 1 lớp học dạy miễn phí cho trẻ em nghèo của thôn ngay chính trong căn nhà nhỏ của mình. Lớp học tình thương ra đời từ đó.

Suốt 30 năm qua, thầy Trần Văn Hòa đã giúp hàng trăm học sinh vạn đò thoát mù chữ

Võ Văn Dần

Thầy Hòa nhớ lại: “Ngày 10.6.1990, lớp học tình thương được thành lập, mọi thứ đều tạm bợ, bàn ghế là những tấm ván không tròn trịa nguyên vẹn, xin từ những xưởng mộc, chân bàn là những viên bờ-lô kê ngang, hầu như chỉ che được nắng nhưng không trụ được mỗi khi mùa mưa lụt về”. Thầy cất công đi từng đò thuyết phục, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Lúc đầu, chỉ có dăm bảy em đến học. Tiếng lành đồn xa, trẻ em trong thôn vạn đò đến xin học rất đông, có lúc lên tới 42 em, đủ độ tuổi, hoàn cảnh gia đình cũng khác nhau, có em bị bố mẹ bỏ rơi phải sống với ông bà, có em bố mẹ ly hôn, phải ở với cô dì chú bác… Nhưng tất cả có chung một điều ước tưởng chừng đơn giản, nhưng khó thực hiện lúc bấy giờ: Được đi học, biết chữ để sau này thoát nghèo. Thế là thầy Hòa đã giúp các em biến ước mơ thành hiện thực.

Sau mỗi giờ dạy, thầy về Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Phú Vang để xin sách vở, bút viết cho các em; hoặc nghe bạn bè, bà con ở đâu có sách cũ, thầy đều đạp xe đến xin gom về. Chỉ sau 3 năm mở lớp, đến năm 1993 nhiều em được thầy dạy lớp “mở lòng” đã hòa nhập vào các trường tiểu học Phú An 1, Phú Mỹ 2… và được thầy Âu Thanh Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, về thăm và động viên thầy trò lớp học.

Đến năm 1999, cơn bão lớn đã cuốn trôi tất cả. Không nản chí vì tình thương vô bờ với trẻ em dân chài, thầy Hòa gầy dựng lại từ đầu, lam lũ trên mọi con đường quê để xin trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học miễn phí. Năm 2000, Hội cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) của Mỹ đã trao tặng kinh phí để xây 1 phòng học kiên cố, rộng 30 m2 ngay chính trên mảnh đất của gia đình thầy hiến tặng và một số trang thiết bị như: bàn ghế, tủ đựng hồ sơ, sách vở, quạt, điện… Có an cư mới lạc nghiệp, thế là từ đó thầy toàn tâm toàn ý chăm lo dạy dỗ các cháu. Do địa hình sông nước hiểm trở, đi lại khó khăn, trong lúc có nhiều em gia cảnh quá khó khăn nên được thầy cho ở lại nhà để ăn học.

Do mới chỉ có trình độ lớp 10, thầy Hòa mày mò tìm kiếm kiến thức để dạy. Đến năm 2006, thầy tham gia lớp học ban đêm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên TP.Huế, sau 3 năm kiên trì đèn sách, đến năm 2008 thầy nhận bằng tốt nghiệp THPT lúc vừa tròn 44 tuổi. Thầy Hòa mỉm cười tâm sự: “Mình quyết định đi học khi tuổi đời đã lớn, không những để đủ cơ sở đứng lớp, mà còn để nêu gương cho con cháu sau này”.

“Không có thầy, chắc giờ đây em sống trong bóng tối”

Suốt mấy chục năm qua, thầy Hòa không nhớ rõ mình đã chèo lái đưa bao nhiêu “khách” sang sông. Trong đó, có những chuyến đò gặp trắc trở bởi do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, rồi nhận thức của một bộ phận người dân vạn đò về việc học còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, bằng tình thương đích thực, cái tâm trong sáng của một người cha, người chú không nỡ ngồi nhìn nhiều thế hệ con em ở quê mình mù chữ, thất học, nên thầy đã cố vượt qua tất cả, ngày đêm âm thầm đi vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, kêu gọi các nhà hảo tâm kịp thời “tiếp lửa” cho các cháu không bị đứt quãng trên con đường học vấn. Đã có nhiều em bật khóc trong sung sướng khi biết đọc biết viết, được thầy Hòa cho cái chữ. Em Trương Cử, 12 tuổi, ở thôn Đập Góc, tâm sự: “Suốt ngày cháu ra đầm phá để phụ ba mạ thả lừ, bủa lưới, cháu chỉ biết tiếp xúc với con tôm con cá, chừ được thầy Hòa dạy cho con chữ nên cháu đã biết đọc biết viết, vui thiệt là vui”. Còn em Hồ Thị Tươi, hiện là sinh viên năm 4, ngành trồng trọt, Trường ĐH Nông Lâm Huế, chia sẻ: “Nếu không có thầy Hòa đến nhà động viên bố mẹ cho em ra lớp, thì chắc giờ đây em sống trong “bóng tối”, em nguyện mãi tri ơn thầy nhiều lắm!”. Năm 2010, thầy vinh dự được mời ra Hà Nội tham gia chương trình “Những tấm gương bình dị” do VTV2 (Đài truyền hình Việt Nam) tổ chức. Năm 2014 thầy còn được VTC14 mời vào Đà Lạt làm phóng sự Những hạt cát tâm hồn

Lớp học xóa mù dành cho người lớn tuổi, tổ chức tại nhà thầy Hòa ở thôn Đập Góc

Có thể nói, trong số hàng trăm học sinh được “thụ giáo” ở lớp học thầy Hòa từ đó đến nay, đã có nhiều em trưởng thành trong cuộc sống, là những người thợ lành nghề đang cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Điển hình như Nguyễn Văn Viền (mở tiệm may có tiếng ở TP.Huế); Phạm Văn Lành (thợ kép giỏi, chuyên đi thi công các lăng mộ đẹp nổi tiếng ở An Bằng, Phú Vang, Huế); Đặng Văn Quý (thợ mộc giỏi ở Quảng Nam)… Ngoài ra, còn có nhiều em nhờ thầy Hòa dìu dắt, nâng đỡ, trao truyền kiến thức nên có động lực để học tiếp lên cao và hiện đã có việc làm ổn định: Trần Văn Muốn, đã tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng; Trần Văn Mậu, tốt nghiệp ngành trồng trọt, Trường ĐH Nông Lâm Huế; Hà Thị Thanh Tâm, tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Huế…

Xóa mù cho cả người lớn tuổi

Hiện thầy Hòa đang phụ trách lớp xóa mù, học ban đêm ở khu Định Cư (xã Phú An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) có 18 học viên, độ tuổi từ 30 - 62 và 1 lớp học miễn phí cho người lớn tuổi tại nhà. Ông Trần Thưởng, 57 tuổi, đang theo học lớp xóa mù tại nhà thầy Hòa, vui vẻ nói: “Thấy mấy đứa trong nhà hát hò vui vẻ mà bản thân ngồi nhìn cái ti vi mãi cũng chán, được thầy Hòa động viên nên tui quyết định làm “học trò” của thầy Hòa, sau mấy tháng theo đuổi, chừ tui đã biết làm các phép tính cộng trừ, biết đọc chữ hát karaoke”.

Ngôi làng Đập Góc nằm biệt lập, một bên là cánh đồng lúa chín vàng ươm, còn bên kia là đầm phá Tam Giang trải dài mênh mông bốn bề sóng nước. Nơi ấy, có một người thầy ngoài biên chế vẫn ngày đêm âm thầm trao truyền kiến thức cho con em dân chài thất học. Bởi, trái tim thầy đã được đánh thức bởi lòng trắc ẩn và tình thương con trẻ vô bờ bến.

Thầy giáo Lê Văn Song, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Vang, cho biết: “Thầy Trần Văn Hòa là một tấm gương sáng trong giáo giới của huyện nhà về sự tận tâm, tận hiến. Tuy không công tác ở trường công lập, nhưng thầy đã có sự đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương nói chung và công tác xóa mù chữ - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nói riêng”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.