Quà tặng học sinh
Nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Sơn Trà) không còn xa lạ với những phần thưởng là cây bút chì độc đáo, tác giả chính là thầy giáo dạy toán Dương Văn Kiên.
Tất cả bắt đầu từ hơn 10 năm trước, thầy giáo Kiên tình cờ bắt gặp một tác phẩm khắc trên thân cây bút chì và bị cuốn hút theo.
Thầy giáo Dương Văn Kiên |
ngọc hân |
Lúc mới theo đuổi đam mê điêu khắc bút chì, thầy Kiên dùng dao rọc giấy để khắc những tác phẩm đơn giản làm quà tặng người thân, nhất là làm phần thưởng nhỏ tặng học sinh có thành tích học tập tốt. Những tác phẩm đầu tiên chỉ đơn giản là hình con thú, khắc chữ… Dần dần thầy Kiên mở rộng tìm tòi, bắt đầu điêu khắc những tác phẩm có độ khó cao hơn như các loại xích, hình rồng, phượng…
Cầm trên tay các tác phẩm khắc hình phượng hoàng, thầy giáo Dương Văn Kiên tâm sự: “Để tạo nên một chiếc bút chì có hồn, mang hình chim phượng hoàng, tôi phải tỉ mẩn uốn cong cây bút. Việc này đòi hỏi phải kiên trì, cẩn thận. Tạo dáng xong rồi mới bắt đầu điêu khắc”. Tác phẩm cây bút chì khắc hình phượng hoàng được làm từ 2 cây bút tái chế. Phần thân đến đuôi chim phượng được điêu khắc từ một cây bút chì, phần cánh thì chọn cây bút khác. Cứ thế, mỗi sản phẩm đều là công trình độc nhất và mang một vẻ đẹp riêng biệt. “Nhiều năm nay, lúc đi dạy, trong cặp tôi lúc nào cũng có vài cây bút chì khắc chữ để tặng học trò, nhằm khích lệ các em trong những tiết học”, thầy Kiên chia sẻ.
Nối dài đam mê
Sau gần 10 năm đeo đuổi đam mê, ở tuổi 41, thầy giáo Dương Văn Kiên hiện sở hữu bộ sưu tập hơn 2.000 tác phẩm điêu khắc độc đáo, được giới khắc chì đánh giá cao.
Những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật trên bút chì của thầy Dương Văn Kiên |
ngọc hân |
Theo thầy Kiên, để có được một tác phẩm nghệ thuật trên bút chì ưng ý, người làm phải thực hiện nhiều công đoạn hết sức tỉ mỉ và công phu. Trước hết phải định hình, sau đó phác họa, vẽ hình mẫu, tạo hình và cuối cùng là sơn bóng để hoàn thiện tác phẩm. “Mỗi tác phẩm như vậy sẽ mất vài ngày. Tác phẩm chạm khắc cầu kỳ sẽ mất thời gian lâu hơn, có khi là vài tuần, thậm chí có sản phẩm kéo dài từ 3-4 năm trời chưa hoàn thiện. Dày công tốn sức, nhưng khi tác phẩm hoàn thiện thì hạnh phúc vô cùng”, thầy Kiên tâm sự.
Sử dụng nhiều loại bút chì khác để tạo sự khác biệt như bút chì không vỏ, chì thợ mộc, chì ruột chữ nhật, chì vẽ…, những lúc khan hiếm “nguyên liệu”, thầy lại nhờ bạn bè, học trò cũ đang học ở nước ngoài mua gửi về. “Có những loại được bạn bè mua giúp gửi từ bên châu Âu về nên khi điêu khắc phải rất cẩn thận, tập trung hết sức. Bởi nếu không sẽ gây hỏng và rất khó tìm mua lại”, thầy Kiên kể.
Lâu nay, những món quà, phần thưởng của thầy giáo Dương Văn Kiên cũng gây nguồn cảm hứng cho nhiều học sinh, và thực sự nhiều thế hệ học trò được truyền nghề. Mới đây, thầy thành lập câu lạc bộ điêu khắc bút chì để mở rộng điều kiện hỗ trợ sinh viên, học sinh có chung niềm đam mê. Cuộc chơi còn được mở ra với các sản phẩm nghệ thuật từ vỏ trứng vịt, trứng đà điểu…
Bình luận (0)