Bàn học là ghế đá, thầy giáo là sinh viên, học trò là những cô, cậu bán vé số, kẹo, hoa… lang thang ở khu vực Công viên 30.4 (Q.1, TP.HCM).
Đó là lớp học của “thầy giáo” Phạm Minh Khiết (20 tuổi), sinh viên năm 3, ngành công nghệ thông tin của Trung tâm đại học Pháp (Pole Universitare Francais) tại TP.HCM.
|
Một lần Khiết cùng nhóm bạn đến Công viên 30.4 chơi và bắt gặp rất nhiều trẻ em đang ở tuổi cắp sách đến trường nhưng phải đi bán kẹo, hoa tươi, vé số, đánh giày… Ngậm ngùi trước sự thiệt thòi của các em, Khiết nảy ra ý định dạy chữ cho bọn trẻ. Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc “gom” chúng lại thành một nhóm mới thật sự khó khăn. Khiết cho biết vì nhiệm vụ chính của các em là kiếm tiền nên khi “dụ dỗ” chúng bỏ ra một ngày vài giờ đồng hồ để học, đứa nào cũng lắc đầu nguầy nguậy. Thế nhưng, sau nhiều lần thuyết phục, những đứa trẻ đã ngoan ngoãn chịu ngồi một chỗ để ê a từng câu chữ.
Khiết đang ở với ba mẹ và em gái (học lớp 5) tại 242/2/19 Bà Hom, P.13, Q.6 TP.HCM. Khiết bảo rằng, tuy kinh tế gia đình không khá giả nhưng cậu rất tự hào vì ba mẹ tâm lý và tôn trọng con cái. Ba Khiết là kỹ sư điện lực, còn mẹ là giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM. Họ luôn ủng hộ Khiết tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và việc Khiết hằng tuần ra công viên dạy cho trẻ em lang thang, ba mẹ cậu rất hoan nghênh. |
Điều làm Khiết ngạc nhiên là khi các em đi bán hàng, đứa nào cũng dạn dĩ, táo tợn nhưng khi vào lớp học chúng sống thu mình và ngại giao tiếp. Phải mất gần 3 tuần Khiết mới có thể trò chuyện với các em. Khi đã tạo được niềm tin, Khiết kêu gọi nhóm bạn tham gia và bắt đầu công cuộc “xóa mù chữ” cho bọn trẻ.
Những ngày đầu việc học của Khiết chưa nhiều nên hầu như ngày nào anh cũng ra công viên dạy. Nhưng những học trò đặc biệt này còn phải buôn bán kiếm tiền nên thời gian học hoàn toàn phụ thuộc vào các em. Khiết cố sắp xếp thời gian biểu để “chạy” theo các em, dạy cho chúng biết đọc, biết viết, biết tính toán và cả những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.
Tiếng lành đồn xa nên lớp của Khiết có cả trẻ lang thang ở các nơi khác đến xin học. Nhưng cũng vì mưu sinh mà các em bữa học bữa không. Hôm chúng tôi đến, lớp của Khiết chỉ có bé Lê Thị Bồng, 8 tuổi. Một thầy, một trò giữa chốn công viên ồn ào nhưng Khiết vẫn tỉ mỉ chỉ từng phép tính, uốn nắn từng nét chữ, sửa từng lỗi chính tả cho cô học trò của mình. Khiết cho biết, cô bé học ở đây từ những ngày đầu tiên mới mở lớp. Ban đầu bé rất nhút nhát, thấy “thầy” tới gần là bỏ chạy, nhưng giờ thì trò chuyện với nhau cởi mở lắm rồi. Thấy Bồng sáng dạ lại ham học nên Khiết đã hướng dẫn ba mẹ bé xin cho em vào học ở Trường tình thương Ánh Sáng. Bây giờ Bồng đã lên lớp 3.
Khiết kể, vì học ngoài trời nên vào những ngày trời mưa, thầy trò lại xách dép chạy, coi như bữa đó mấy em mất buổi học. Hiện nay, lớp học chưa đọng học trò nhưng thầy vẫn quyết tâm bám trụ với học sinh của mình. “Có thể trong những tháng tới đây, lớp sẽ chẳng còn học trò nào để dạy nhưng mình vẫn sẽ đến công viên, vẫn tìm, vẫn đợi những đứa trẻ lang thang để cho chúng niềm vui nho nhỏ”, Khiết tâm sự.
Chương trình Lục Vân Tiên thời nay do Báo Thanh Niên và Tập đoàn C.T Group đồng tổ chức, nhằm kịp thời phát hiện, biểu dương, động viên tinh thần đồng thời trợ giúp những cá nhân, tập thể người tốt việc tốt qua công việc hằng ngày. Bạn đọc có thể tham gia viết bài, cung cấp thông tin, đề cử, giới thiệu những gương người tốt việc tốt xung quanh mình (lưu ý: những cá nhân, tập thể đã được giới thiệu trên các báo, tạp chí, hoặc các phương tiện truyền thông khác không được đề cử cho chuyên mục này). Bài viết và thông tin xin gửi về một trong hai địa chỉ sau: Tòa soạn Báo Thanh Niên - 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Email: lucvantien@thanhnien.com.vn; |
Biên Thảo
Bình luận (0)