Thầy giáo vẽ những nụ cười

05/11/2021 00:01 GMT+7

10 năm qua, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng đã âm thầm vẽ nên những nụ cười trên môi người nghèo khó.

Thương những phận đời khó khăn, đặc biệt là giữa những ngày dịch Covid-19 khiến mọi thứ ngưng trệ, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng, giáo viên Trường tiểu học Tây Hồ (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã không ngại khó, ngại khổ, đi đến những nơi có người cần giúp đỡ để kịp thời trao cho họ những nhu yếu phẩm cần thiết.

Cùng cha giúp người nghèo giữa đại dịch Covid-19

Giữa những ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều nơi trên địa bàn TP.Đà Nẵng bị phong tỏa, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng vẫn miệt mài với các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ bà con khó khăn, tiếp sức các chốt kiểm soát dịch, các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. Với nhiều trẻ em ở Đà Nẵng, hình ảnh Ông địa trong trang phục bảo hộ chống dịch kín mít mang quà Tết Trung thu đến trao tận tay các em là điều khó quên.

Thầy giáo Đặng hóa thân thành Ông địa tặng quà Trung thu cho trẻ em vùng phong tỏa

Trong nhiều chuyến đi hỗ trợ tiếp tế lương thực và rau xanh cho các khu cách ly, tổ chức chợ 0 đồng, mang quà đến tận những gia đình khó khăn, thầy Đặng còn có cha đi cùng là ông Trương Đức Luân.

Thầy Đặng bảo: “Ba mình tham gia tham gia tổ Covid-19 cộng đồng của địa phương nên đến đợt hỗ trợ người dân trong khu phố là ba đi, mình đi cùng ba. Bất cứ việc gì bà con cần đều đi, từ đi mua lương thực, thực phẩm, mua thuốc men…”.

Nhiều người dân ở kiệt 135 đường Tôn Đản (P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có lẽ sẽ không quên hình ảnh của ông Luân vào mỗi sớm mai đã treo từng gói thực phẩm bánh mì, bún, mì quảng, rau xanh… hỗ trợ bà con từ nguồn quỹ chính ông vận động.

Đợt dịch Covid-19 năm 2020 thì hai cha con hầu như không ở nhà ngày nào. Nơi nào cần là mình cùng cha lại sắp xếp quyên góp quỹ mua nhu yếu phẩm để mang đi, từ các bệnh viện, khu cách ly cho đến các khu phong tỏa ở Quảng Nam. Đi nhiều đến nỗi vợ và mẹ mình ở nhà lo đến phát khóc”, thầy Đặng nhớ lại.

Rồi những chương trình phát cơm miễn phí tối thứ 6 hằng tuần trước đây và cả trong đợt dịch, cả nhà thầy Đặng cùng tham gia.

Hai cha con thầy Đặng tiếp tế thực phẩm cho bà con vùng phong tỏa

“Ba mình luôn là người đồng hành trong mọi công việc thiện nguyện, là người đi trực tiếp cùng mình. Kể cả khi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, ông đều không ngại khó đồng hành cùng con. Ông bảo, mong muốn lớn nhất của ông là dịch bệnh bị đẩy lùi, mọi nhà đều bình yên. Đó cũng là động lực cho mình làm việc tốt, có ích cho cộng đồng”, thầy Đặng bộc bạch.

10 năm làm việc thiện

Năm 2010, rời quân ngũ trở về làm giáo viên ở Trường tiểu học Tây Hồ, thầy Đặng đã bắt đầu nhen nhóm ý tưởng làm một điều gì đó để giúp những mảnh đời khó khăn.

“Ban đầu mình tham gia ủng hộ vài nhóm thiện nguyện để cùng họ chia sẻ yêu thương. Sau tình cờ mình thấy một trường hợp bệnh nhân bị tai nạn, không đủ chi phí mổ nên mình đã nghĩ ra cách đấu giá cây bonsai của chính mình. Rồi lần thứ 2 mình cũng đấu giá bonsai để có tiền hỗ trợ cho các trẻ em khuyết tật mồ côi. Từ đó trở về sau, các chương trình thiện nguyện đều từ kinh phí bắt đầu là bán bonsai”, thầy Đặng kể.

Vượt qua những khó khăn về kêu gọi kinh phí hỗ trợ của những đợt làm từ thiện đầu tiên, dần dà thầy Đặng được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ. Nhiều hoàn cảnh khó nghèo được hỗ trợ ngày càng nhiều.

Thầy Đặng cho biết, hành trình thiện nguyện có nhiều niềm vui: "Như Noel năm 2019, mình hóa thân thành ông già Noel để vui chơi và trao quà cho các ông cụ già trong viện dưỡng lão. Các ông bà lúc đó thật sự xúc động, nhiều người lẫn (mất trí nhớ) còn nhận mình làm con cháu của họ. Hay có lần mình gởi quà hỗ trợ cho một cô lượm ve chai. Cô không nhận và nhường lại phần quà cho cô lượm ve chai đi bên cạnh. Mình thực sự xúc động khi cô ấy bảo: “Bà này còn khó khăn hơn".

Ông Trương Đức Luân tặng thức ăn sáng cho bà con khu phố giữa mùa dịch

Rồi cả những người không quen biết, bất chợt một ngày nào đó gọi điện đến gửi chút quà hỗ trợ người khó khăn. Tấm lòng của những người xa lạ khiến thầy Đặng thấy tình người thật gần. Cứ thế mà nhân lên động lực để tiếp tục việc làm của mình.

Hơn hai năm trước cũng chính thầy Đặng đã tổ chức chương trình “Bếp ăn 0 đồng” ở trường nơi thầy công tác. “Chương trình vận động kinh phí từ giáo viên để thực hiện. Ban giám hiệu cho mượn bếp ăn bán trú để nấu nướng mỗi tháng một lần vào ngày cuối tuần. Sau này lan tỏa thêm rất nhiều giáo viên và cả chi bộ đảng nhà trường đều ủng hộ”, thầy Đặng vui vẻ cho biết.

10 năm làm thiện nguyện, dấu chân thầy Đặng đến nhiều nơi, từ ngõ hẻm trong thành phố đến vùng sâu, vùng xa. Còn nhớ đợt lũ lụt năm 2020, thầy Đặng cùng bạn bè chung sức kêu gọi được 250 triệu đồng mua nhu yếu phẩm rồi chở đến các vùng ngập lụt ở Quảng Trị, Quảng Bình.

Những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động nghèo ở miền Nam buộc phải hành hương về quê. Ngang qua Đà Nẵng, thầy Đặng lại có mặt để tiếp sức cho họ chai nước, hộp cơm.

Thầy Đặng bảo: “Cảm xúc những lúc ấy nó khác hẳn những lần trước khi đi tặng quà hỗ trợ cho người nghèo. Có điều gì đó rưng rưng trong lòng thật khó tả”.

Miệt mài trên hành trình thiện nguyện để vẽ nên những nụ cười của các mảnh đời nghèo khó, lúc gian nan, thầy Đặng nói: “Mình làm việc thiện cũng là cách hướng cho con gái của mình hiểu về sự sẻ chia và lòng nhân ái, như trước đây và cả bây giờ cha mình từng dạy con cháu. Nhưng thực tâm mình muốn mọi người đều có cuộc sống đủ đầy, an vui và hạnh phúc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.