Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên khối sư phạm - nhà giáo tương lai - còn phải trải qua các học phần thực tập để rèn luyện kỹ năng quản lý lớp học và xử lý tình huống sư phạm.
"Quan tâm-trách nhiệm-công bằng-yêu thương"
Là những phẩm chất mà sinh viên sư phạm đang bồi dưỡng và rèn luyện mỗi ngày để mang đến hình ảnh đẹp nhất về người thầy trong mắt học sinh.
Kết thúc học phần thực tập sư phạm 1, Mai Khánh Uyên, sinh viên năm 3 khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, nhận ra một trong những yếu tố quan trọng của nghề dạy học là phải biết kiềm chế, điều khiển được cảm xúc để không làm tổn thương học trò.
"Tôi được phân công thực tập dạy lớp 5 và trong lớp có một nam sinh khá nghịch ngợm. Có lần vào giờ ra chơi, nam sinh này xảy ra xích mích với một bạn khác và có lời lẽ không tôn trọng khiến bạn khóc. Trước khi vào tiết, tôi giải thích lỗi sai của cả hai bạn để cùng nhau giải quyết. Thay vì trách phạt, la mắng thì tôi vẫn luôn giúp các em hiểu được lời nói có giá trị như thế nào và hiểu được cảm giác của mọi người xung quanh", Uyên chia sẻ.
Tương tự, B.N.Q.C, sinh viên ngành sư phạm khoa học tự nhiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: "Lần đầu là giáo sinh bước vào môi trường giáo dục nên tôi cũng gặp tình trạng học sinh không ghi bài, làm việc riêng... Tâm thế của tôi là không muốn học trò căng thẳng nên biện pháp xử lý là nhắc nhở nhẹ nhàng với lần đầu tái phạm, những lần sau sẽ tùy vào tình huống mà đưa ra các hình phạt khác nhưng không gây ảnh hưởng tâm lý các em. Tôi nghĩ rằng giáo viên phải bình tĩnh chọn lọc từ ngữ phù hợp với học trò, nói ra những câu từ thiếu tế nhị chỉ làm sự việc leo thang và phá hủy phẩm chất người thầy trong tích tắc".
Trải nghiệm thực tập gặp phải học sinh không nghe lời đã giúp Nguyễn Trần Tấn Phát, sinh viên năm 3 khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn, rút ra được nhiều kinh nghiệm ứng xử.
"Tôi được phân công thực tập dạy lớp 4, tiếp xúc với một bạn nam không hợp tác, bị nhắc nhở thì phản ứng lại. Sau khi trao đổi với giáo viên hướng dẫn, biết rõ hoàn cảnh của học trò, tôi đã trò chuyện, tạo cảm giác như một người bạn với em ấy, giúp em nghe lời, hợp tác với thầy cô và bạn bè. Với những học sinh bị nhận xét là 'cá biệt', sự quan tâm chính là chìa khóa để giáo viên có thể đồng hành và chia sẻ cùng các em. Sự kiên nhẫn, mềm dẻo trong giáo dục mới thật sự hiệu quả, còn la mắng, gây áp lực chỉ khiến khoảng cách giữa thầy và trò ngày càng xa", nam sinh đúc kết.
Nhà trường xác nhận có chuyện thầy giáo chửi học sinh 'đầu trâu, đầu chó'
Lời nhắc nhở của phụ huynh: "Thầy cần phải học nói"
Là đồng nghiệp, tôi rất thông cảm khi thầy còn thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc để nói ra những lời không đẹp, không hay như vậy và đây cũng là bài học thầy cần khắc ghi. Không chỉ riêng thầy, nhiều thầy cô khác cũng dễ nổi nóng khi dạy học sinh. Đây là điều khó tránh khỏi, như bản thân tôi cũng từng mắc phải khi mới ra trường.
Năm 1986, tôi nhận quyết định về giảng dạy ở trường phổ thông cơ sở Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hòa, một xã kinh tế mới của huyện Diên Khánh lúc bấy giờ mà nhiều người nói là vùng khỉ ho cò gáy.
Có một lần, do có nhận xét không tế nhị về học sinh, các phụ huynh đã tìm gặp tôi sau đó. Rất may sau khi tôi giải thích, phụ huynh cũng hiểu được và thông cảm về lời nói của tôi. Khi ra về, một phụ huynh nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Thầy cần phải học nói". Tuy buồn nhưng qua đó cũng cho tôi thêm kinh nghiệm sống: hãy thận trọng trước khi nói, nhất là đối với học sinh phải thật chuẩn mực.
Nguyễn Văn Lực
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Dành sự tôn trọng tối đa cho học trò
Khi mạng xã hội phát triển, hình ảnh người thầy dễ bị soi xét nên giáo viên phải ý thức sâu sắc về bản thân và công việc của mình. Dẫn chứng từ câu chuyện tại Cà Mau, cô Nguyễn Thị Kim Xuân, giáo viên Trường THCS Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM, nhận định rằng dù có nóng tính thế nào, người giáo viên vẫn nên giữ thái độ tỉnh táo với học trò, tránh vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm học sinh.
Cô Xuân gửi lời khuyên đến giáo viên trẻ sắp vào nghề: "Hãy lắng nghe và thấu hiểu chính là cách giáo dục hiệu quả nhất. Muốn theo nghề thì phải luôn giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống và có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Nếu học sinh làm sai thì nên tìm hiểu rõ ngọn ngành và có thái độ dứt khoát, công bằng, tôn trọng ý kiến của từng cá nhân".
Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Hoài Linh, giáo viên Trường tiểu học Tam Thiện, Đồng Nai, cho biết, với đối tượng học sinh càng lớn thì sự tôn trọng là điều phải thể hiện rõ vì các em đang trong giai đoạn phát triển mạnh về tâm sinh lý.
"Giáo viên vì lo lắng cho học trò mà sử dụng những câu từ xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh là trái với chuẩn mực nghề nghiệp. Nếu các em không chịu hợp tác thì nên tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, linh động xử lý vấn đề, có biện pháp giáo dục thích hợp, tránh để lại những vết thương tâm lý trong lòng học sinh", cô Linh nói.
Luôn tự soi mình
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Võ Văn Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, cho biết sinh viên khối sư phạm tại trường được học các học phần chuyên ngành như tâm lý giáo dục, tâm lý học, giáo dục học, phương pháp giáo dục, phương pháp giảng dạy… "Bên cạnh đó, sinh viên phải trải qua hai đợt thực tập tại các cơ sở giáo dục để nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm trong môi trường thực tế", thầy Lý thông tin.
Theo thầy Lý, những câu chuyện xấu xí về cách hành xử thiếu chuẩn mực gây xôn xao gần đây chỉ là những sự kiện mang tính cá biệt, không nên quy chụp từ đó vào hình ảnh tất cả giáo viên.
"Tuy nhiên, những hành vi không bình tĩnh, mất kiểm soát trong lớp học đều đáng lên án và là bài học cảnh tỉnh cho ngành giáo dục. Vì thế, thầy cô, nhà giáo tương lai phải luôn tự soi mình, tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên để làm người thầy chuẩn mực và luôn bình tĩnh xử lý những tình huống bất ngờ", thầy Lý đúc kết.
Bình luận (0)